Dĩ nhiên chúng ta có nhiều cách trả lời cho câu hỏi này, tuy nhiên một trong số đó có thể là “phương pháp tạo nên những thói quen tốt“. Hay nói đúng hơn, đó là “tiếp tục thực hành những thói quen tốt cho đến khi nó trở thành một phần của ta.”

Nếu thói quen tốt là một phần của hoạt động hàng ngày, chúng sẽ trở thành “báu vật” cho cả cuộc đời của ta. Còn nếu những thói xấu trở thành thói quen thường nhật, chúng cũng trở thành “xiềng xích” cho ta.

Để thói quen tốt trở thành thứ của ta, đôi khi cần phải mất vài tuần, vài tháng hoặc vài năm.

Do đó, người chỉ dẫn cũng như giúp đỡ người khác đạt được thói quen tốt cần giữ sự kiên trì không ngừng nghỉ khi hướng dẫn và chia sẻ.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường không biết cách sắp xếp gọn gàng giày dép khi đi vào nhà.

Trong Ki Aikido, giày dép được coi như “phần mở rộng của bàn chân”, nếu giày dép không được xếp gọn gàng thì chính bàn chân của ta cũng phải gánh chịu sự lộn xộn tương tự.

Khoảng thời gian đó, Kochi Tohei Sensei – người vừa là cha vừa là thầy của tôi, đã luôn nhẫn nại gọi tôi ra khi đôi giày của tôi bị vứt lộn xộn và chúng tôi cùng nhau sắp lại giày thật ngay ngắn.

Việc đó lặp đi lặp lại cho đến khi tôi học được thói quen xếp giày thật gọn gàng. Thay vì nổi giận với tôi và quát mắng “tại sao cứ mắc sai lầm như vậy, trong khi ta đã nói với con bao nhiêu lần rồi”, ông chỉ đơn giản là luôn kiên nhẫn xếp lại đôi giày ngay ngắn, cùng tôi.

Ông nghiêm túc tới mức không hề chấp nhận bất kỳ lý do nào cho việc vứt giày dép lung tung.

Tôi cũng không nhớ phải mất bao lâu thì việc sắp xếp đôi giày ngay ngắn mới trở thành thói quen thường ngày của tôi, mà chính tôi cũng chẳng hề hay biết.

Mẹ tôi, một người vô cùng nóng tính và nghiêm khắc, đã luôn kinh ngạc trước sự kiên nhẫn của cha dành cho tôi, nhưng ông chỉ luôn nói rằng “đó là cách nhanh chóng và mau lẹ nhất để thay đổi và hình thành thói quen.”

Giờ đây, việc sắp xếp giày dép gọn gàng đã trở thành thói quen thường nhật của tôi. Ngay cả khi cha không còn nữa, tôi vẫn duy trì và giữ cho mình thói quen này.

Mặc dù được dạy dỗ như vậy từ cha tôi, thế nhưng thủa ban đầu đứng lớp, tôi vẫn nghĩ rằng phải thật nghiêm khắc nếu như muốn học sinh của mình tiến bộ. Và tôi đã sớm nhận ra rằng suy nghĩ ấy thật sai lầm.

Khi hướng dẫn học viên và các em nhỏ về Shinshin Toitsu Aikido, điều quan trọng nhất là chỉ cho họ những thói quen tốt và làm thế nào để thực hành chúng mỗi ngày. Kết quả đã chứng minh, đây là cách nhanh nhất để họ sửa chữa khiếm khuyết và duy trì thói quen tốt trong cuộc sống thường nhật.

Việc tỏ ra quá nghiêm khắc và ép buộc học viên phải thay đổi sẽ càng khiến cho mọi việc trở nên bất khả thi hơn.

Giả dụ chúng ta có một ly nước, bên trong nhỏ một giọt mực màu đỏ. Nếu ta ra sức loại bỏ giọt mực ấy ra khỏi ly nước thì chỉ đang làm khó chính mình. Thay vào đó, cách dễ dàng hơn là mỗi ngày rót thêm một ít nước sạch cho tới khi giọt mực đỏ biến mất và màu nước trong trở lại.

Phương pháp tương tự cũng được áp dụng với thói quen. Thay vì ra sức loại bỏ và chặn đứng thói quen xấu, sẽ hiệu quả hơn nếu ta không ngừng dung nạp thói quen tốt. Vấn đề sau đó là: làm sao để kiên nhẫn “tiếp tục rót thêm nước sạch cho tới khi nhìn thấy sự thay đổi”.

Trong một kỳ thi lên cấp Aikido, một thí sinh liên tục mắc cùng một lỗi kỹ thuật. Mỗi khi anh ta mắc sai lầm đó, anh sẽ thực hiện lại kỹ thuật ấy từ đầu mà không nhận được bất cứ sự chỉ dẫn nào từ giám khảo.

Bởi vì tiếp tục mắc sai lầm hết lần này tới lần khác, nên giám khảo chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc yêu cầu anh thi lại vào lần sau. Theo lời huấn luyện viên của anh, chúng tôi được biết rằng anh thường không mắc sai lầm khi luyện tập và vốn chẳng có vấn đề gì với kỹ thuật ấy cả.

Sau đó chúng tôi phát hiện ra, học viên này chỉ luôn chú ý tới “hình” trong động tác Aikido, và mỗi khi mắc sai lầm thì anh lập tức thực hiện động tác lại từ đầu. Việc này khiến anh liên tục bị ngắt Khí và dần dà trở thành một thói quen xấu. Nhưng vì thói quen này không hề được lưu tâm hay sửa đổi, nên đã gây trở ngại rất lớn cho anh trong kỳ thi.

Nếu đặt tôi vào vị trí người hướng dẫn cho anh, tôi sẽ đảm bảo rằng luôn giúp anh thực hiện động tác từ đầu đến cuối, trong mọi trường hợp – kể cả khi mắc lỗi kỹ thuật, để anh không hình thành thói quen xấu ngắt Khí trong luyện tập hàng ngày.

Điều quan trọng nhất trong tập luyện chính là “thực hiện liên tục và không để ngắt Khí”. Bằng cách biến việc này trở thành thói quen tốt, chúng ta cũng đang hình thành khả năng “không ngắt dòng chảy của Khí” trong cuộc sống thường ngày cũng như công việc của chúng ta. Tiếp tục duy trì thói quen này sẽ khiến nó trở thành vốn quý cho chính mình. Ngược lại, nếu ta cứ tiếp tục ngắt Khí và để nó hình thành thói quen xấu… thì hậu quả thật vô cùng khó lường.

“Luôn luôn khuếch trương Khí tới vô cùng”

“Luôn luôn duy trì dòng Khí tích cực”

“Luôn luôn bầu bạn với những người có Tâm an tĩnh, vững vàng”

“…”

Bằng cách liên tục thực hành Shinshin Toitsu Aikido với những thói quen tốt, chúng ta sẽ có thể áp dụng những bài học từ trên võ đường vào cuộc sống thường ngày.

Nguồn: http://www.shinichitohei.com/english/2015/07/what-is-educati.html

Dịch: Lạc Nhược

Hiệu đính: Phạm Đức Dũng

Leave a Reply