01

Trải qua gần 2 năm luyện tập Ki-Aikido, hiện nay Ngọc Hùng đã đạt mức 3-kyu và trở thành một senpai rất chu đáo và nhiệt tình của CLB Ki-Aikido Hà Nội. Nhìn lại con đường đã qua, Ngọc Hùng chia sẻ với chúng tôi những kỉ niệm và kinh nghiệm đáng quý trong suốt quá trình rèn luyện Ki, đã giúp anh vững vàng và trưởng thành hơn, từng ngày.

CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI KI-AIKIDO

PV: Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi vô cùng quen thuộc nhé: Anh biết đến Ki-Aikido như thế nào?

Ngọc Hùng: Từ 2011, anh đã bắt đầu tập Aikido rồi. Tuy nhiên, anh chỉ tập được 2 tháng. Khi đó anh có cảm giác hơi lạc lõng. Thật ra phần nhiều anh cảm thấy mình hơi kém về mặt vận động nên khá tự ti. Lúc đi tập thì không thực hiện được đòn thế, lại chẳng hiểu gì, nên sau đấy thì anh nghỉ.  

PV: Tại sao khi đó anh lại đi tập Aikido?

Ngọc Hùng: Khi công việc của anh ổn định rồi, anh bắt đầu cảm thấy mình cần một thứ gì khác. Anh tự hỏi là nếu bỏ đi công việc, sau khi tan làm, cuộc sống của mình sẽ ra sao, mình sẽ là ai, là người như thế nào. Lúc đấy anh mới biết mình cần một-cái-gì-đó. Chứ trước thì anh chỉ biết cắm đầu vào làm việc thôi. Hết giờ làm thì ở lại làm tiếp, đọc sách, nghiên cứu…

PV: Vậy sau đó vì sao anh đến với Ki-Aikido?

Ngọc Hùng: Anh vốn like rất nhiều page về Aikido, một hôm Facebook suggest fanpage Ki-Aikido Hanoi. Xong anh thấy đăng tuyển lớp Ki căn bản. Thật ra hồi đấy anh đăng ký học chỉ vì đó là lớp căn bản thôi. Như anh nói đấy, anh hơi tự ti là thần kinh vận động kém, nên muốn bắt đầu từ cái cơ bản nhất.

PV: Thế ấn tượng đầu tiên của anh khi đến với lớp Ki-Aikido là gì?

Ngọc Hùng: Cảm giác đầu tiên của anh là lớp rất…Tây. Trái hẳn với suy nghĩ của anh. Ban đầu anh nghĩ Aikido thì sẽ mang phong cách Nhật cơ. Nhưng đến lớp thì thấy toàn dùng tiếng Anh.

PV: Anh nhớ lúc đó lớp bao nhiêu người không?

Ngọc Hùng: Anh chỉ nhớ hôm đầu tiên gặp 3 người: anh Thao, Nam, chị Trang.

PV: Còn ấn tượng thứ hai?

Ngọc Hùng: Là lớp quá nhỏ. *cười*

PV: Vậy điều gì khiến anh tiếp tục tập Ki-Aikido cho tới bây giờ?

Ngọc Hùng: Ô, ban đầu anh cũng thấy nản lắm. Trong một tháng đầu nhiều khi muốn bỏ, vì không hiểu được. Nhưng đăng ký rồi nên cứ tập tiếp xem thế nào thôi. Anh nghĩ đấy là thói quen của mình khi bắt đầu một cái gì đấy mới. Mình dễ thấy bị khớp, bị ngại và có xu hướng thu mình lại, kiểu quay về một góc phòng và đọc sách một mình ấy.

PV: Nhưng anh vẫn chọn tập tiếp thay vì dừng lại?

Ngọc Hùng: À thật ra chán nản chỉ là lúc ban đầu thôi. Được cái là khi đó lớp rất nhỏ, ít người tập nên được hướng dẫn rất kỹ. Anh Thao còn có một điều đặc biệt là luôn tìm ra điểm tốt, dù rất nhỏ của mọi người, khiến mình có động lực hơn. Trước đấy thì anh nghĩ là anh hơi kém về mặt vận động, nhưng đến dojo lại có người động viên mình, nên tự tin lên nhiều.

yk6w0080

CÁI GÌ CHƯA LÀM ĐƯỢC THÌ CỨ ĐI TIẾP VỚI NÓ

PV: Cảm nhận đầu tiên của anh về Ki là gì?

Ngọc Hùng: Mơ hồ. Khi nghe về những thứ như “nhất điểm” chẳng hạn, anh luôn thấy nó rất mơ hồ.

PV: Đến khi nào anh thấy nó ít mơ hồ hơn?

Ngọc Hùng: Khi anh luyện tập để thi kyu 4. Đó là lúc anh bắt đầu cảm nhận được độ tĩnh của cơ thể. Và cũng là lúc anh thấy mình khá hơn, tự tin hơn. Trước đó thì sensei bảo gì mình làm nấy thôi, chứ anh cũng chưa cảm giác được gì. Tuy nhiên, tới lúc đấy thì anh dần tự-thấy được các cảm giác với Ki.

PV: Vậy anh nghĩ cái gì là điểm đặc biệt nhất của Ki?

Ngọc Hùng: Chắc là nó có thể áp dụng được rất nhiều trong cuộc sống. Từ hồi tập Ki thì anh thấy mình hoạt động hàng ngày hay chơi mấy môn vận động đều tốt hơn. Trong các mối quan hệ với mọi người, anh cũng để ý, quan tâm hơn.

PV: Anh có ví dụ nào cụ thể không?

Ngọc Hùng: Đơn giản là chuyện bê nước. Ở lớp anh, bọn nó rất lười bê nước, vì nặng. Anh thì nghĩ chuyện bê nước giống như một cơ hội để mình tập Ki. Sau này bọn nó thấy anh bê hai tay hai bình nước, cứ há hốc mồm ra nhìn như người ngoài hành tinh. Mình thì chỉ thấy bình thường. Cái này cũng giống như bài tập hai người tì hai vai của sensei ấy.

PV: Đó là về cơ thể đúng không. Vậy còn về mặt tinh thần thì sao?

Ngọc Hùng: Hmmm… Từ lúc tập Ki thì anh cảm thấy mọi chuyện đến và đi với mình bình thản hơn. Trước đấy thì hay bồn chồn, lo lắng. Trải nghiệm sâu sắc nhất của anh chính là trong mấy kỳ thi kyu. Lúc đầu anh cảm thấy rất hồi hộp, cơ thể lóng ngóng. Nhưng cứ qua mỗi lần, anh lại thấy rằng mặc dù vẫn hồi hộp nhưng mình ngày càng tĩnh hơn, vẫn có thể làm được. Cái này khó diễn tả lắm, nó gọi là “tĩnh trong lúc hồi hộp”. *cười*

PV: Khi thực hành Ki-Aikido, anh thấy điều gì là khó nhất, điều gì là dễ nhất?

Ngọc Hùng: Thời điểm bắt đầu, anh thấy cái khó nhất là giữ thẳng lưng. Anh cũng không có cảm giác về “nhất điểm”. Mỗi lần nói chuyện với anh Jason, anh ấy thường bảo “dễ lắm, chỉ cần nghĩ về nhất điểm thôi”. Nhưng anh hoàn toàn không có cảm giác gì.

PV: Lúc đó anh làm như thế nào?

Ngọc Hùng: Thì kệ thôi. Không làm được cái đó thì làm cái khác chứ sao giờ. *cười lớn*

PV: Vậy còn điều gì khiến anh cảm thấy dễ dàng hơn với Ki-Aikido?

Ngọc Hùng: Cái này cũng tuỳ thời điểm thôi. Ở thời điểm luyện thi kyu 3 thì anh cảm nhận khá rõ về “cườm ngón tay út”. Hồi đầu thì anh cảm giác về “thả lỏng” tốt hơn. Còn lại thì tuỳ từng lúc, có thể là khả năng “nhìn rộng ra”. Chẳng hạn nếu mình cứ nhìn chăm chăm về phía trước thì mình sẽ thấy rất ức chế. Nhưng nếu biết “nhìn rộng ra” thì tự khắc mình cảm thấy thả lòng hơn, bao quát tốt hơn. Sau đó anh có được cảm giác về “cườm ngón tay út”, thì cũng bắt đầu cảm nhận được “sức nặng bên dưới”.

PV: Bây giờ anh đã là senpai rồi, đã có kinh nghiệm khá nhiều trong việc hướng dẫn người mới. Anh thấy điều gì là khó khăn mà mọi người hay gặp phải?

Ngọc Hùng: Anh thấy vấn đề người mới hay gặp phải nhất là thả lỏng. Còn khi hướng dẫn ai đó, anh thường để họ có được phần nào cảm giác đã, thay vì chỉnh họ nhiều quá.

PV: Anh làm điều đó như thế nào?

Ngọc Hùng: Anh sẽ giải thích một chút về những thứ căn bản: nhất điểm này, thả lỏng này… Chỉ cần họ làm đúng được phần nào đó thôi, rồi anh sẽ nương theo để cho họ thấy là họ có thể làm được đã. Sau đó mình mới chỉnh dần, chứ ngay lúc đấy thì không được. Khi nào họ làm được một vài lần, thì mình sẽ nâng dần mức độ lên. Như thế người mới sẽ không chủ quan, và mình cũng không áp đặt quá. Với cả, anh có quan niệm là không bao giờ được đứng ngoài để chỉ cho người khác. Phải bước vào làm cùng với họ.

PV: Nếu có lời khuyên dành cho người mới tập thì anh sẽ nói gì?

Ngọc Hùng: Anh nghĩ là cố gắng để ý những thứ nho nhỏ. Khởi động này, tư thế đúng này, thả lỏng này. Những gì cơ bản nhất thì không nên bỏ qua. Chứ đừng ham hố đòn thế quá.

PV: Nhưng thật ra người mới rất khó để cảm nhận đúng ngay được. Trong giai đoạn mọi thứ đều mơ hồ như vậy, anh nghĩ người mới nên làm như thế nào?

Ngọc Hùng: Anh nghĩ là cứ tập tiếp, và tập với càng nhiều người càng tốt. Mỗi khi tập với người mới, mình sẽ nhìn ra điểm hạn chế của mình. Và tập với thật nhiều người thì mình sẽ thấy được điểm mà mình vướng nhiều nhất. Khi đã biết được cái lỗi mình luôn mắc phải, thì mình sẽ có ý thức để cải thiện tốt hơn. Cái đó phải tự nguyện chứ không ai ép mình được.  

02

MUỐN LÊN SHODAN ĐỂ ĐƯỢC KHOAN THAI

PV: Anh có đặt mục tiêu gì với Ki-Aikido không?

Ngọc Hùng: Có chứ. Phải lên Shodan chứ.

PV: Shodan. Khi nào?

Ngọc Hùng: Có thể là cuối năm sau.

PV: Nhưng Shodan có phải là điểm dừng cuối cùng của anh với Ki-Aikido chưa?

Ngọc Hùng: Với anh thì đó là cột mốc quan trọng. Sau đó anh sẽ phải nhìn lại, sắp xếp cuộc sống của mình lại. Những chuyện tiếp theo thì phải tùy duyên.

PV: Tại sao anh lại muốn lên Shodan? Để thấy rằng mình cũng có khả năng, hay còn mục đích nào khác nữa?

Ngọc Hùng: Hỏi khó nhỉ. Thật ra anh rất thích phong thái của những người tập Ki ấy. Điềm tĩnh, khoan thai.

PV: Và anh nghĩ là khi lên được Shodan, anh sẽ có được phong thái ấy?

Ngọc Hùng: Ừ đúng rồi đấy. *cười lớn*

PV: Anh có từng nghĩ tới chuyện đi dạy chưa?

Ngọc Hùng: Anh có. Đã từng nghĩ tới. Nhưng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp.

PV: Anh nghĩ thế nào về tương lai của Ki-Aikido tại Việt Nam?

Ngọc Hùng: Ki-Aikido đang phát triển và sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Anh nghĩ là Ki khá….tươi mới, dễ chịu. Nó không (chỉ) chú trọng vào đòn thế mà về tinh thần nhiều hơn. Không khí trong lớp cũng vui vẻ, hòa nhã nên nhiều người sẽ thích đến dojo.

04

TẤT CẢ RỒI SẼ ỔN THÔI

PV: Sắp tới sẽ có nhiều bạn thi kyu 5. Với cương vị là một senpai thì anh có lời khuyên nào cho các bạn không?

Ngọc Hùng: Anh cũng chẳng biết phải khuyên gì các bạn. Cảm thấy mình vẫn còn rất nhỏ bé ấy.

PV: Chỉ với tư cách một người đã từng trải qua thôi. Anh có chia sẻ gì với người mới không?

Ngọc Hùng: Hồi sắp thi kyu 5, Phương có nói anh là “đừng lo, cứ diễn sâu vào, kiểu gì cũng qua thôi”. *cười lớn* Đùa thôi, anh nghĩ là ở kyu 5 thì tất cả mới chỉ bắt đầu. Thường thì ai trước khi thi cũng thấy mình còn kém, cảm giác tự ti; nhưng mà cứ thi thôi. Thi xong mọi người sẽ cảm nhận mình hoàn toàn khác.

PV: Điều gì khiến anh thấy các bạn thi kyu 5 dễ mắc lỗi nhất?

Ngọc Hùng: Anh nghĩ tất cả chỉ là hồi hộp thôi. Theo anh thì cứ cho là nó bình thường, đừng quan trọng hóa quá. Như hồi đó thì anh thấy ai làm cũng tốt. Nam này, Dũng này, Phương, Thảo… nên anh hoang mang lắm. Nhưng thật ra ở kyu 5 mức độ yêu cầu không cao như mình tưởng đâu, chỉ cần mọi người thả lỏng thì tất cả rồi sẽ ổn thôi.

PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay. Chúc anh đi thật xa cùng với Ki-Aikido.

Thực hiện: Nhược Lạc & Phạm Đ. Dũng

 

Leave a Reply