Chủ nhật rồi, tôi vừa hoàn tất bài thi kyu 3 của mình. Ngoài chuyện kỳ thi này đánh dấu quãng thời gian một năm rưỡi tập luyện Ki Aikido của tôi, nó còn mang một ý nghĩa quan trọng khác. Tôi đã không tham dự kỳ thi một mình, mà với một em bé nặng gần 1kg ở trong bụng. *cười*

Đúng vậy, tôi dự thi kyu 3 khi đang mang thai ở tháng thứ 7. (Bố mẹ hai bên hẳn không thích điều này :P) Thời gian đầu mang thai, tôi cũng thường xuyên tự hỏi bản thân có thể tiếp tục tập Ki được không. Sau đó, tôi nhớ đến triết lý quan trọng nhất mà cả Ki Aikido và Thực Dưỡng luôn nhắc tới. Đó là “lắng nghe cơ thể”, “cảm nhận bản thân”. Vậy nên tôi quyết định vẫn xin thầy tới lớp tập. Vừa tập, vừa để ý xem cơ thể mình có thấy ổn với chuyện đó không. Mệt thì nghỉ, khát thì uống nước, những động tác nào nguy hiểm thì bỏ qua.

Cứ như thế, đều đặn hàng tuần, tôi ôm cái bụng bầu theo ông xã tới dojo tập luyện. Có lúc vừa khởi động vừa dỗ con đạp tưng bừng trong bụng. Có lúc mới tập chút chút đã phải ngồi thở vì nóng quá. Có lúc chưa kịp làm động tác này kia, đã thấy sensei ra khoát tay bảo “thôi cái này Lạc khỏi tập”. Tôi nghĩ trong thời gian mình mang thai, sensei và các sempai của Ki Aikido Hà Nội còn căng thẳng hơn tôi gấp một tỉ lần :)).

Có điều, tập tành là một chuyện, còn thi cử là chuyện khác. Với tôi, kyu 3 là một thử thách thực sự, một bước tiến rõ ràng chứ chẳng chơi. Bởi vì tôi đã nhìn thấy các sempai thi kyu 3 trước đó. Nên tôi biết rằng yêu cầu của kyu 3 hơn hẳn kyu 4 như thế nào, từ số lượng đòn thế, cho tới sự tập trung, tính chính xác và tốc độ trong từng động tác.

Có lẽ khó khăn lớn nhất trong việc tập Ki khi mang bầu, đó là hạn chế về di chuyển và thể lực. Tôi không thể thoải mái thực hiện các bước nhảy skip, ngã trước hay ngã sau. Tôi cũng không thể tập luyện liên tục trong nhiều giờ, hay đánh quá nhiều đòn trong một lúc.

Nhưng, việc mang bầu cũng cho tôi những trải nghiệm cực kỳ thú vị mà các võ sinh khác khó lòng có được.

Trước tiên là “nhất điểm”. Nếu có tập luyện Ki Aikido, bạn sẽ được biết đến khái niệm này. “Nhất điểm” là một “điểm” nằm khoảng dưới rốn, là trọng tâm của cơ thể, là vị trí mà nếu đưa ý thức về đó, bạn sẽ có được sự vững vàng, tĩnh tại, hòa hợp giữa thân và tâm. Đây là thứ cần có quá trình tập luyện, trải nghiệm tự thân, khó diễn tả bằng lời. Nhưng khi bạn mang bầu, bạn gần như thế có thể nhìn thấy/chạm thấy “nhất điểm” của mình. Cảm giác này còn khó diễn tả hơn. 😛

Không chỉ như vậy, việc ý thức rằng bản thân đang phải bảo vệ một sinh linh, cũng khiến cơ thể trở nên “có Ki” hơn. Cụ thể là, cơ thể sẽ vững vàng hơn, tinh thần sẽ tĩnh tại hơn. Lý do có thể nhờ tăng cân (haha) hoặc bản năng bảo vệ em bé trở nên mạnh mẽ. Đồng thời, cơ thể mình lúc đó tự hiểu rằng, cần phải tiết kiệm sức lực, do đó cũng bớt đi khá nhiều động tác thừa thãi.

Buổi thi kyu hôm đó trời quả thật rất nóng. Dojo thì đặc biệt đông với hơn 40 võ sinh dự thi cùng hàng loạt khán giả tới xem khác. Tôi ngồi chờ tới lượt mình thi, nghe mồ hôi chảy ròng ròng, con đạp ỏm tỏi trong bụng, mà không biết mình có làm nổi không nữa.

Vậy mà cuối cùng mọi chuyện đều ổn. Cảm giác đứng trên võ đường, đối diện chồng mình, giờ là uke (người tấn công) của mình, khiến mọi lo lắng hay bất an đều biến mất. Giây phút đó chỉ còn mình và “Ki” của mình. Chỉ còn biết tự nhắc mình bình tĩnh, giữ nhất điểm, và cơ thể phản ứng như nó cần phải vậy.

Sensei nói rằng tôi đã thi rất tốt. Tôi tin đó là lời nói thiệt, chứ chẳng phải động viên suông. Và nếu vậy, thì đó hẳn là nhờ công của cái sinh thể thụi liên tọi trong bụng mẹ, và bạn uke trọn đời đã kiên nhẫn tập luyện với nage vướng víu, khó chiều là tôi.

Chúng tôi gọi bài thi hôm đó là “gia đình hỗn chiến”, là “kyu 3 cho 2 người” còn em bé hôm ấy là “em bé chưa ra đời đã có kyu”.

Trong tiếng Nhật, san-kyu (kyu 3) còn có nghĩa là “nghỉ đẻ” hay “cảm ơn” (phiên âm tiếng Anh). Vậy nên, sau kỳ thi lần này, tôi có thể an tâm nói “cảm ơn” và xin phép “nghỉ đẻ” được rồi. :))

Hẹn gặp lại mọi người ở những kỳ thi sau!

どうもありがとう ~ ^ ^ ~

Leave a Reply