CUỘC THI VIẾT: PLUS KI – LAN TỎA ĐIỀU TÍCH CỰC MỖI NGÀY

Bài dự thi MS17: Căn phòng chữa lành và nuôi dưỡng tâm hồn
Tác giả: My

Hôm nay tình cờ tôi đọc được chia sẻ của một người bạn về tác dụng của việc đọc sách trong việc chữa lành cho những tâm hồn tổn thương (bên cạnh rất nhiều tác dụng khác nữa). Nghe qua thì có vẻ là không có liên quan lắm đến việc học Aikido mà cụ thể là chữ Ki mà chúng ta vẫn thường được nghe trong tất cả các buổi tập.

Nhưng ấy vậy mà tôi lại nghĩ ngay đến Ki các bạn ạ, tới vai trò của Ki trong sức khỏe tinh thần. Vậy cụ thể là như thế nào?

Người ta thường nói thời gian hàn gắn mọi vết thương, nhưng tôi lại nghĩ chúng ta cần cụ thể hóa một chút – “Những gì mà bạn làm trong khoảng thời gian đó mới chính là yếu tố giúp làm lành các vết thương”.

Tôi tin rằng, khi đã có những trải nghiệm nhất định, con người ta trong những lúc hoài niệm nhìn lại thì đều thấy có những “giá mà”, “ước gì”… với hy vọng sẽ có được những kết cục khác ở thì hiện tại, hoặc tương lai.

Đã có những kết quả không mong muốn xảy ra, tạo ra những vết thương không lường trước được với những tác động khác nhau tới cuộc sống của chúng ta. Nhưng cuộc sống, cũng giống như dòng sông – luôn biến đổi, luôn chảy trôi và con người thì cần di chuyển với mạch sống đó để mà có thể tiếp tục hành trình của mình, hoàn thành những ước mơ, những trách nhiệm và quan trọng hơn cả là tận hưởng từng giây phút, từng hơi thở của cuộc sống này.

Trong quá trình hàn gắn những vết thương đó, chúng ta cần có những người xung quanh giúp sức. Nhưng, nếu không có sẵn những người đó hoặc chúng ta cảm thấy vẫn chưa đủ, đừng ngần ngại giang rộng đôi tay và vươn dài những nhịp bước của bạn hơn, có thể chậm thôi, hãy tiến đến những người khác mà bạn nghĩ là có thể giúp bạn trong hành trình không mấy dễ dàng này.

Ngoài thói quen đọc sách kể trên, bạn có thể tìm đến với Ki Aikido.

Tôi sẽ tạm gọi võ đường thân thuộc của chúng ta là “Căn phòng chữa lành và nuôi dưỡng tâm hồn”.

Đứng trên thảm tập, khoác trên mình bộ võ phục, bạn sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ bẫng đi nhiều lắm, nếu bạn biết cách. Bạn hãy cho mình quyền được tạm thời buông bỏ hết những lo âu đời thường, những suy nghĩ trăn trở và toàn tâm toàn ý luyện tập với các thầy và các uke. Lắng nghe những tiếng chuông thật êm, thật thanh lúc cuối giờ thầy gõ và cùng đếm số tiếng gõ với các đồng Ki (đếm thầm thôi nhé!). Lắng nghe tiếng gió thổi lá bay xào xạc, tiếng côn trùng kêu râm ran ngoài phòng tập, hoặc còn có thể là tiếng gió điều hòa trên trần nhà hay tiếng quạt máy khe khẽ quanh các góc phòng.

Nhưng quan trọng hơn là, hãy tìm về với hơi thở của chính mình, lắng nghe chính mình, thật khoan dung, thật kiên trì; để biết được là, dòng Ki vẫn đang chảy trôi trong mình, cuộc sống vẫn đang chảy trôi trong mình.

Dù có khó khăn, có những giây phút mình muốn buông tất cả nhưng hãy nhớ rằng cuộc sống vẫn ở đó, trong chính bản thân mỗi chúng ta và chúng ta kết nối với nhau qua những hoạt động thường ngày để tạo nên một “biển sống” rộng lớn, đa dạng với nhiều màu sắc.

Dù cho là những vết thương vẫn còn ở đó, hãy cứ tiếp tục đi; dù cho con đường có chưa thật sự sáng tỏ, hãy cứ tiếp tục sống. Vì ta biết chắc chắn rằng rồi tới lúc nào đó những vết thương sẽ mờ dần, và ta trở thành một ta khác với tâm hồn thật rộng mở và thật giàu có.

Plus Ki!