Lại một mùa trao đai nữa sắp đến, CLB Ki Aikido Hà Nội lại có một thế hệ senpai đai màu đông đảo và ngày càng chất lượng hơn.
Đây cũng là lúc mà hội chứng “tiền mãn đai” lan rộng trong toàn CLB với những biểu hiện rất khó tả: Vừa tự hào, vui sướng vì sắp được đổi đai, lại vừa có chút bâng khuâng lo lắng kiểu như: “Em làm gì đã muốn lên đai màu đâu! Em còn đang thấy mình dốt đi đây này!”, “Đeo đai xanh/nâu mà người mới đến hỏi thì phải biết làm thế nào?”, hay “Lên đai xong rồi thì làm gì tiếp theo nhỉ?”…
Cảm giác đó, các thế hệ senpai trước các bạn đã từng trải qua. Và với tư cách là những người đã “vượt qua được”, chúng tôi xin chia sẻ lại như sau:
Chiếc đai trắng tượng trưng cho tinh thần “bỏ hết bát nước cũ đi” để học lại từ đầu khi bạn mới vào võ đường. Tuy nhiên, nếu cứ đeo mãi đai trắng sẽ dễ khiến bạn ngại thay đổi và ngại thất bại: “Ừ mình mới chỉ đai trắng mà, làm thế thôi cũng được!”. Động lực học tập và thay đổi của bạn sẽ kém đi nhiều.
Việc đeo một chiếc đai màu sẽ khiến bạn có cảm giác khác hẳn. Không phải theo kiểu thấy mình giỏi hơn tất cả những bạn đai trắng khác mà bạn sẽ thấy được vị trí nhỏ bé của mình trên những nấc thang vô hạn: trên đai xanh còn có đai nâu, trên đai nâu còn có Shodan, rồi Nidan, Sandan,… Đeo đai màu là cách mà bạn cam kết với bản thân rằng mình sẽ dần chinh phục những trình độ tiếp theo, bất chấp những thiếu sót hiện tại của bản thân.
Và bạn còn nhớ những ngày đầu đến dojo chứ?
Những lúc bạn gặp vướng mắc là lúc các bạn muốn tìm đến các senpai đai màu để nhận được sự giúp đỡ, phải không?
Vậy thì đeo một chiếc đai xanh hay nâu là một cách để thông báo cho các thành viên mới biết rằng có một senpai nhiệt tình ở đây, sẵn sàng giúp các bạn ấy.
Và đeo một chiếc đai xanh hay nâu cũng là cách để chúng tôi, những HLV thấy rằng: “Ở đây có những võ sinh đang rất nỗ lực để tiến bộ, phải làm gì đó để giúp họ mới được!”
Vì vậy hãy luôn plus Ki để chuẩn bị nhận đai mới nhé!