Nhiều bạn tâm sự với Ki Aikido Hà Nội rằng càng đi tập, bạn càng thấy mình kém đi.
Đáng nhẽ, sau một khoảng thời gian tập luyện, bạn phải thấy tư thế của mình tốt lên, đòn thế của mình nhuần nhuyễn lên, hiểu biết về võ thuật nhiều lên. Ai dè, càng tập Ki, bạn càng thấy mình “không có Ki”. Càng học đòn thế, bạn càng thấy mình lóng ngóng. Và mỗi mấy cái “tư thế đứng đúng” hay “cánh tay không bẻ gẫy” mà lần nào “Ki test” cũng fail.
Vì sao?
Câu trả lời rất đơn giản. Đó là vì bạn đang tốt lên.
Ngày đầu bước chân vào võ đường Ki Aikido Hà Nội, bạn chưa biết gì về Ki, về Aikido, nên bạn không có gì để so sánh, đánh giá cả.
Nhưng rồi việc tập luyện giúp bạn hiểu ra rằng tư thế của mình còn chưa đúng, tinh thần của mình còn xô lệch, chân mình còn cứng, tay mình còn gồng…. Đôi khi chúng ta đã tập rất “ngon lành” với một người bạn rồi, nhưng khi đổi bạn tập một cái, chúng ta bèn “quay về điểm xuất phát” và không thể làm gì để dịch chuyển được họ.
Trong truyện cổ tích, ta gọi đó là thời điểm “oà khóc”. Nhưng thời điểm này diễn ra trong quá trình tập Ki mà không có ông Bụt nào hiện ra. Chỉ có chính ta cần phải bước tiếp trên con đường tập luyện của mình.
Nói một cách tích cực, đây chính là thời điểm “vỡ ra vấn đề” – một nấc mới quan trọng trong tiến trình tập luyện. Mỗi khi một vấn đề được vỡ ra, điều đó có nghĩa là bạn sắp tiến bộ lên rồi đó. Cái “sắp” ấy kéo dài bao lâu, còn phụ thuộc vào thái độ tiến lên của bạn.
Trong kỳ seminar với Seiji Tsuzuki sensei diễn ra vào tháng 9/2018, có một võ sinh hỏi sensei rằng: có những khi mình đã giữ Nhất điểm rồi, đã thả lỏng rồi, tư thế ổn rồi… mà mình vẫn không hạ được một-ai-đó, thì mình phải làm sao. Thầy Seiji Tsuzuki đã trả lời từ tốn rằng: thì phải tập tiếp thôi. Chính tôi cũng đang phải tập tiếp mà.
Vậy đó bạn, một sensei kỳ cựu 7 đẳng Ki-Aikido mà vẫn còn thấy mình kém, vẫn còn phải đi tiếp, tập tiếp thôi. Thì bạn à, con đường này hẵng còn dài rộng lắm.
Hãy tập có Ki, mỗi ngày mỗi ngày.