Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ một vấn đề:
Chúng ta từ đâu tới?
Hầu hết mọi người đều trả lời rằng chúng ta được sinh ra là do sự kết hợp giữa trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha.
Vậy thì, trứng và tinh trùng từ đâu tới?
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu, khởi đầu của loài người là như thế nào?
Không chỉ loài người mà tất cả vạn vật đều có điểm khởi đầu.
Bất kỳ thứ gì có hình dạng thì phải có sự khởi đầu. Ví dụ như mặt trời đang chiếu sáng hàng ngày, nhưng chắc chắn phải có thời điểm bắt đầu của ngọn lửa. Nó phải là một ngọn lửa, trước khi nó bắt đầu. Nếu chúng ta truy lại nguồn gốc của tất cả vạn vật, chúng ta chỉ có thể nói rằng vạn vật bắt đầu từ cái gì đó vô hình.
Đó gọi là khái niệm “Vô” ở trong Thiền học. Nhưng nó không có nghĩa là không có gì. “Nó không có gì, nhưng nó vẫn tồn tại”.
Nếu chúng ta nghĩ theo cách đó, thì tinh thần của chúng ta, cơ thể của chúng ta, rồi mặt trời, các ngôi sao, trái đất, động vật, thực vật, tất cả mọi thứ đều sinh ra từ thứ gì đó vô hình.
Mọi vật đều sinh ra từ những phần tử nhỏ vô cùng tận.
Ki là tập hợp của những phần tử nhỏ vô cùng tận.
Về mặt toán học mà nói, đại lượng cơ bản nhất của toán học là số một. Có một trái đất. Có một viên sỏi. Nếu nó giảm đi một nửa, nó vẫn là một. Nếu cứ chia nửa nó mãi mãi, nó vẫn không thể thành số 0. Nếu có số một, thì một nửa của nó luôn luôn tồn tại. Ki là tập hợp vô hạn của vô hạn phần tử nhỏ. Nếu xét theo khía cạnh này thì mặt trời, các ngôi sao, trái đất, thực vật, động vật hay tinh thần và thể xác con người đều được tạo nên từ Ki của vũ trụ. Ki là tinh chất của Vũ Trụ và nó tương tác bằng vô vàn cách để tạo nên Vũ Trụ. Chúng ta và Vũ Trụ là một thể thống nhất. Và sự sống của chúng ta là một phần sự sống của Vũ Trụ.
Luân chuyển Ki của Vũ Trụ qua cơ thể của bạn bằng hít thở
Sự sống của chúng ta giống như một vốc nước vớt lên từ biển lớn và được giữ trong lòng bàn tay. Chúng ta gọi đó là “tôi”. Chúng ta gọi đó là nước của chúng ta vì chúng ta đang giữ chúng. Nhưng mặt khác, từ góc nhìn của nước, đó chỉ là một phần của biển lớn.
Nếu chúng ta thả tay ra thì nước sẽ quay về lại với biển. Nếu chúng ta cố giữ chúng lại thì chỗ nước đó cũng sẽ sớm trở nên tù đọng.
Sự sống của chúng ta giống như là một vòng khép kín của Ki của Vũ Trụ bên trong thể xác. Mặc dù chùng ta nói đây là “tôi”, nhưng với góc nhìn về tinh thần, nó thực ra là Ki của Vũ Trụ. Thậm chí khi được bao bọc trong cơ thể, nó vẫn hoạt động như một phần của Vũ Trụ. Khi chúng ta hít thở, chúng ta luân chuyển Ki của Vũ Trụ qua toàn bộ thân thể của mình. Khi sự lưu thông giữa Ki của chúng ta và vũ trụ còn nguyên vẹn, chúng ta sẽ khoẻ mạnh.
Chúng ta sống hài hoà với Vũ Trụ.
Hài hoà nghĩa là có sự tương tác qua lại với Ki của Vũ Trụ.
Hít thở là một việc quan trọng để giữ được sự hài hoà này. Chúng ta luân chuyển Ki của Vũ trụ qua cơ thể của mình.
Phương pháp Thở-có-Ki giúp chúng ta luân chuyển Ki của Vũ Trụ. Đây là cách tốt nhất để kích thích sinh lực và giữ gìn sức khoẻ.
Khuếch trương Ki nhiều bao nhiêu, bạn nhận lại Ki nhiều bấy nhiêu
Nhiều người nghĩ rằng Ki là một cái gì đó siêu nhiên, phi thường. Tuy nhiên, hiểu như vậy là chưa chính xác. Ki là năng lượng vô tận tồn tại giữa chúng ta, và việc ứng dụng Ki vào cuộc sống hàng ngày hết sức quan trọng. Đó giống như chiếc chìa khoá để đưa ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong Hán tự, chữ Ki mà tôi sử dụng là chữ 氣 (gọi là A) mà không phải là 気 (gọi là B).
Tại sao tôi sử dụng cách viết A thay vì B? A là kiểu minh họa cổ xưa cho chữ Ki trong Hán tự. Vì thế nhiều người có lẽ sẽ nghĩ rằng tôi sử dụng A vì tôi đã già. Nhưng không phải vậy. Hán tự A là sự kết hợp ý nghĩa giữa Vũ Trụ và vô tận. Trong Hán tự B có bộ 㐅 (ngải). Chữ 㐅 mang ý nghĩa cắt đứt dòng chảy của Ki. Vì vậy tôi không dùng chữ B vì như vậy sẽ không đúng với ý nghĩa thật sự của Ki.
Suy ngẫm về Ki là một việc rất cần thiết. Mọi người đều nói rằng họ muốn sống hết mình. Với bạn thì một cuộc sống trọn vẹn bao gồm những điều gì? Nếu có đầy đủ những điều đó trong tay, bạn có thể tuyên bố rằng bạn đang có cuộc sống trọn vẹn không?
Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó, như là công việc, sinh mạng, tiền bạc hay tình yêu. Với tôi định nghĩa một cuộc sống trọn vẹn là khi tinh thần và thể xác chúng ta được lấp đầy bởi Ki của Vũ trụ. Chúng ta là một phần của Vũ Trụ vì vậy điều hoàn toàn tự nhiên là Ki của chúng ta và của Vũ Trụ luôn luôn luân chuyển qua lại. Trong tiếng Nhật, chúng tôi gọi trạng thái này là “ikiteiru” (sống) hoặc là “ikioshiteiru”. Và khi có sự luân chuyển Ki, chúng ta có sinh khí.
Như đã đề cập từ trước, nếu Ki của chúng ta và của Vũ Trụ không giao hoà được, tình trạng sức khoẻ của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ. Nếu sự hoà hợp này hoàn toàn chấm dứt , chúng ta sẽ chết. Trong tiếng Nhật, chúng tôi gọi nó là “iki o hikitoru”.
Nếu chúng ta khuếch trương Ki ra bên ngoài, chúng ta sẽ lại nhận được Ki mới từ Vũ Trụ. Khi đó chúng ta có thể trao đổi Ki của bản thân với Vũ Trụ.
Một vài người cho rằng nếu chúng ta sử dụng Ki, Ki sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, họ hiếm khi sử dụng Ki.
Chúng ta không nên dừng khuếch trương Ki. Nếu chúng ta dừng khuếch trương Ki chúng ta không thể trao đổi Ki với Vũ trụ. Nếu nước không được luân chuyển, nó sẽ trở nên tù đọng. Ngược lại, khi dòng nước được luân chuyển thì sẽ không có tình trạng đó.
Ki cũng giống như nước vậy. Thậm chí khi Ki trông có vẻ bị ngắt, nó vẫn luôn trao đổi với Vũ Trụ. Đúng là Ki hoàn toàn có thể bị cạn kiệt. Tuy nhiên, khi chúng ta sử dụng Ki càng nhiều, chúng ta nhận lại Ki càng nhiều. Việc thường xuyên trao đổi Ki với Vũ Trụ sẽ giúp chúng ta tăng cường sinh lực và chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh.
Vũ Trụ không bao giờ đứng yên. Vũ Trụ luôn luôn thay đổi. Nhưng chúng ta không thể cảm nhận được chuyển động này bằng các giác quan.
Chúng ta đang ở trên mặt đất. Hàng ngày Trái Đất quay quanh trục của mình và quay quanh Mặt Trời. Tuy nhiên, chúng ta hầu như không cảm nhận được việc đó.
Khi bạn ngồi yên trên ghế, máu của bạn vẫn đang tuần hoàn liên tục trong cơ thể. Trong Vũ Trụ, không có vật gì là không dịch chuyển. Nếu bạn hiểu được quy luật của tự nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng ngắt Ki là một việc làm trái tự nhiên.
Hít thở cũng tương tự như thế, nếu bạn thở ra, hơi thở tự nhiên sẽ đi vào.
Nếu bạn gắng sức dừng hơi thở một cách cố ý, đó là trái tự nhiên. Hiểu được điều này, chúng ta có thể thực hành phương pháp Thở-có-Ki một cách thuận lợi.
Hãy sống với Ki tích cực
Tinh thần thực sự có sức mạnh
Ki của chúng ta là một phần của Vũ Trụ và thể xác của chúng giống như một chiếc bình để đựng chứa Ki của Vũ Trụ.
Còn tinh thần của chúng ta là thứ sẽ có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng thể xác, đồng thời thúc đẩy, kiểm soát sự luân chuyển Ki của bản thân với Vũ Trụ.
Ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể so sánh mối liên hệ giữa dòng chảy của Ki và quá trình phát sinh dòng điện. Trong chiếc máy phát điện, vật chất cơ bản của điện được biến chuyển thành dòng điện phát ra ngoài làm máy móc hoạt động. Tương tự, tinh thần của chúng ta cũng giống như một chiếc máy phát điện, chúng ta sử dụng nó để tiếp nhận Ki đang tràn ngập ngoài Vũ Trụ, từ đó dần dần chuyển hoá thành Ki của mình, và dẫn dắt thể xác của chúng ta.
Thực tế thì “Khuếch trương Ki” nghĩa là sử dụng tinh thần của chúng ta một cách tích cực, tinh thần phát Ki giống như máy nổ phát điện. Điều này có nghĩa là, bằng việc sử dụng tinh thần một cách tích cực, Ki của chúng ta có sự trao đổi với Ki của Vũ Trụ.
Vì vậy, ta có thể hiểu “Ki tích cực” nghĩa là mở rộng Ki, “Ki tiêu cực” nghĩa là thu hẹp Ki. Bây giờ tôi sẽ nói về “Ki tích cực” một điểm quan trọng trong việc thực hành phương pháp Thở-có-Ki.
Khi tôi đưa ra câu hỏi, “Các bạn đã từng bao giờ bị cảm lạnh chưa?”, thì phần lớn mọi người đều trả lời “Rồi.”. Và nếu tôi hỏi “Các bạn đã bao giờ cảm thấy tức giận, buồn bã hay cãi nhau với người khác chưa?, thì không ai nói “Chưa.”.
Hai câu hỏi tôi đưa ra ở trên có phải là hai câu hỏi hoàn toàn riêng biệt không?
Nhiều người nghĩ rằng câu đầu tiên là câu hỏi về cơ thể còn câu thứ hai là câu hỏi về tinh thần.
Nhưng hãy xem xét kĩ càng hơn. Khi chúng ta ốm, chúng ta nhạy cảm với những thứ nhỏ nhặt, dễ tức giận, sợ hãi, buồn bã, ghen tị và cãi vã.
Nhiều người trở nên mắc các bệnh về tinh thần khi vướng vào những suy nghĩ như “Những người khác đang sống rất hạnh phúc. Tại sao tôi lại đau ốm? Tôi đã làm sai cái gì sao?”
Như đã mô tả ở trên, bệnh tật ở thể xác liên quan mật thiết đến những vấn đề ở tinh thần. Bệnh thân thể là một biểu hiện trên bề mặt, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nguyên nhân của nó bắt nguồn từ tinh thần.
Lý do chúng ta bị cảm không chỉ bởi vì thân thể yếu đi mà còn là vì những vấn đề xuất phát từ tinh thần.
Khi ốm, nhiều người chỉ nghĩ đến cơ thể mà quên đi tinh thần. Người ta không nhận ra vấn đề ở tinh thần mà chỉ nghĩ họ sẽ khỏe lại nhờ uống thuốc. Dường như chúng ta đã quên mất đi điều gì đó và không còn sống thuận với tự nhiên nữa.
Tôi sẽ kể cho các bạn về những trải nghiệm sống trái tự nhiên của mình bằng việc chỉ nghĩ về thể xác mà quên lãng tinh thần.
Trong quá khứ, tôi đã vài lần bị ốm nặng. Trước khi sinh tôi, mẹ tôi đã suýt chết vì viêm phổi, lần đó nghiêm trọng đến nỗi các bác sĩ đều bỏ cuộc và không còn hy vọng gì. Sau đó thì tôi ra đời. Vì vậy, mẹ tôi bao bọc tôi rất kĩ. Thậm chí khi tôi vào tiểu học, chỉ cần tôi hắt hơi một tiếng mẹ tôi đã cho tôi nghỉ học, vì bà nghĩ rằng tôi là một đứa nhỏ ốm yếu. Tôi đã nghe theo mẹ và nghỉ học rất nhiều lần. Tôi chỉ học sáu tháng ở trường cho đến khi lên lớp hai. Khi đi từ nhà đến trường và ngược lại, tôi có người theo trông chừng để không bị các học sinh khác bắt nạt.
Tuy nhiên, mẹ tôi càng chăm sóc kĩ bao nhiêu, tôi càng ốm nhiều bấy nhiêu. Mỗi khi có dịch bệnh nào manh nha, tôi là người đầu tiên mắc bệnh trong nhà.
Cha tôi đã thay đổi tinh thần và thân thể ốm yếu của tôi. Ông bắt tôi mặc quần áo mỏng kể cả trong mùa đông. Và ông cũng đã dạy Judo cho tôi. Nhờ tập Judo mà tôi đã trở nên khỏe mạnh. Khi gia nhập câu lạc bộ Judo ở trường trung học, tôi đã được trao đai đen ở tuổi 14.
Nhưng không lâu sau đó, tôi lại gặp phải một vấn đề khác. Môn Judo mà tôi tập luyện để trở nên khỏe mạnh hơn đã cho tôi vài bài học để đời. Khi 16 tuổi, tôi vào đại học Keio. Vì đã tập Judo từ lâu tôi xin gia nhập câu lạc bộ Judo đại học Keio. Khi đang tham gia vào đợt trại xuân của câu lạc bộ Judo, chuyện không may đã xảy ra. Trong lúc tập luyện, tôi đã vướng phải một đàn anh to cao và chúng tôi đều ngã nhào. Ngực trái của tôi đã bị va đập rất mạnh. Tôi đến bệnh viện và được chẩn đoán viêm màng phổi. Bác sĩ bảo tôi phải lập tức nhập viện. May mắn thay, tôi đã hạ sốt ngay hôm sau. Bác sĩ cho phép tôi xuất viện sau 17 ngày. Tôi đã nghĩ có thể tiếp tục những ngày tháng ở Đại học như trước đây. Tuy nhiên bác sĩ đã cho tôi một điều bất ngờ vào lần khám cuối cùng. Ông ấy bảo tôi không được tập Judo nữa. Không chỉ Judo mà kể cả tennis, bóng bàn và nhiều môn thể thao khác. Ông ấy cho phép tôi đi bộ. Ông ấy cũng nói với tôi rằng: “Cơ thể của cậu giờ như một chiếc tách đã rạn nứt. Nếu cậu để ngực bị va đập một lần nữa thì đó sẽ là dấu chấm hết cho cậu. Vì vậy cậu không nên nâng tay trái quá cao và không nên làm bất cứ việc gì có thể tạo áp lực cho ngực. Cậu không nên nói to vì nó cũng làm cho ngực bị dồn ép.”
Những lời nói của bác sĩ nói đã đưa tôi trở ngược về thời thơ ấu, khi tôi là một đứa trẻ ốm yếu. Sau đó tôi nói chuyện với người khác bằng giọng rất nhỏ. Khi đang đi mà vấp phải hòn đá nhỏ, thì ngực tôi lại nhói lên và tôi đã rất lo lắng về vết nứt trong ngực mình. Vì vậy tôi cảm thấy hồi hộp kể cả khi đi bộ.
Khi tôi đi dạo trên bãi biển như một liệu pháp phục hồi sức khỏe, có người nói rằng: “Với bệnh viêm màng phổi thì gió biển là quá sức đối với cậu. Cậu nên đi lên vùng núi”. Do vậy, mỗi khi đi dạo dọc bờ biển, tôi đều mang mặt nạ.
Đột nhiên hồi đó, tôi lên cơn sốt gần 40 độ. Bác sĩ nói rằng đó là do viêm màng phổi tái phát. Tôi uống thuốc để hạ sốt. Đã từng có thời điểm mà cuộc sống hàng ngày của tôi cứ lặp đi lặp lại như thế.
Rõ ràng không chỉ đối với bác sĩ, mà theo quan niệm thông thường, nếu bị bệnh nặng, chẳng hạn như viêm màng phổi, chúng ta nên nghỉ ngơi yên tĩnh. Hầu hết mọi người đều nghĩ như vậy. Tuy nhiên, ngược lại suy nghĩ trên, tôi đã làm những việc mà nhiều người cho rằng là bất bình thường. Khi tôi bị bệnh, tinh thần của tôi trở nên yếu đuối, và tôi nhìn nhận mọi việc một cách tiêu cực. Bằng những kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra điều đó khiến mọi việc trở nên xấu đi.
Tôi đã quyết định đưa bản thân thoát khỏi một cuộc sống tiêu cực.
Tôi đã đến gặp Tetsuju Ogura sensei, một người đệ tử lớn của Tesshu Yamaoka sensei – người nổi danh là bậc thầy về kiếm và là một nhà thư pháp xuất sắc.
Tôi đã bắt đầu thực hành Misogi. “Misogi” là một phương pháp thực hành hít thở xuất phát từ Thần Đạo Nhật Bản. Trong vòng nhiều hôm, ta sẽ ngồi cả ngày và thở ra với âm thanh càng to càng tốt. Chỉ nửa ngày trôi qua, chúng tôi đã mất giọng. Thêm vào đó, các đàn anh còn đánh vào lưng của những người tham gia trong khi thực hành. “Nói to tiếng”, “Bị đánh vào lưng”, tôi đã làm những điều hoàn toàn bị cấm bởi bác sĩ.
Khi tôi bắt đầu thực hành Misogi, ngực trái của tôi bị đau và tôi đã lo lắng về việc bệnh cũ tái phát. Tuy nhiên tôi đã hứa với thầy trước khi tôi bắt đầu rằng tôi đã chấp nhận chết ở đạo đường trong khi luyện tập. Vì vậy tôi quyết tâm để mọi việc tự nhiên. Tôi thực hành quên đi bệnh tật của mình và cơn đau đã biến mất. Sau một năm tôi đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Bệnh viêm màng phổi đã hoàn toàn khỏi. Thông thường, ca viêm màn phổi nặng như của tôi thường để lại sẹo nhưng phổi của tôi lại không có dấu vết gì.
Bệnh của tôi đã được chữa hết nhờ thực hành Misogi. Kinh nghiệm này cho tôi biết rằng nếu chúng ta huấn luyện tinh thần và thể xác, sử dụng tinh thần một cách tích cực, chúng ta có thể tận dụng được sức mạnh tự nhiên vĩ đại của bản thân. Nếu tôi tiếp tục sống như bác sĩ đề nghị, tôi sẽ không thể nói lớn tiếng, chạy, chơi thể thao mà phải luôn lo lắng về sự tái phát của bệnh viêm màng phổi. Không khó để hình dung đó không phải một cuộc sống tốt đẹp cho lắm.
Bác sĩ chỉ đưa ra lời khuyên trên phương diện cơ thể.
Trong tiếng Nhật, chúng tôi gọi thân bệnh là “Yamai”, cả thân và tâm đều bệnh thì gọi là “Byoki”. Kinh nghiệm của tôi đã chỉ ra rằng chúng ta không thể khỏe mạnh nếu chỉ quan tâm đến cơ thể hay chỉ suốt ngày lo âu, buồn bã, vướng vào các căn bệnh tinh thần.
Nếu bạn muốn khỏe mạnh, điều quan trọng là nhận ra bên cạnh thể xác hữu hình còn có một tinh thần vô hình tiềm tàng. Tinh thần thực sự có sức mạnh.
Chuyển hoá mọi thứ xung quanh bạn theo hướng tích cực
Cả hai cách suy nghĩ tích cực và tiêu cực đều gây ảnh hưởng đến mọi chuyện xung quanh.
Ví dụ, một người có thể thấy vài người bạn của mình đang nói chuyện với nhau. Người có thái độ tích cực sẽ không nghĩ gì về việc đó cả. Người có tư tưởng tiêu cực sẽ ngay lập tức tự hỏi có lẽ họ đang nói xấu sau lưng mình. Do tưởng tượng quá mức về những điều đó, tâm trạng của người tiêu cực sẽ ngày càng trở nên tiêu cực hơn.
Việc nhận thức được rằng tích cực sẽ hướng tới tích cực và tiêu cực sẽ thu hút tiêu cực là rất quan trọng. Nếu bạn ở trong một tâm trạng tiêu cực, bạn sẽ suy nghĩ tiêu cực, hành động cũng trở nên tiêu cực, và khiến mọi thứ xung quanh bạn trở nên tồi tệ. Bởi vì tiêu cực thu hút tiêu cực, nếu một việc trở nên tồi tệ, dường như tất cả mọi việc cũng sẽ trở nên tồi tệ. Nếu bạn cãi nhau với vợ khi rời khỏi nhà vào buổi sáng, thì cả ngày hôm đó có lẽ sẽ là một ngày tồi tệ đối với bạn.
Nếu đưa một người nóng giận vào với một nhóm bốn hay năm người đang trò chuyện với nhau một cách vui vẻ, thì mọi người sẽ im lặng và không khí trở nên ảm đạm, bởi vì tâm trạng tiêu cực của người kia đủ mạnh để thay đổi mọi thứ xung quanh anh ta khiến chúng tiêu cực hơn.
Ngược lại, nếu Ki của bạn tích cực, suy nghĩ, hành động của bạn và mọi thứ xung quanh bạn sẽ tích cực lên.
Khi bạn tích cực, bạn sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc. Ngay cả khi bạn đang ở trong một tình huống khó khăn, bạn vẫn có thể duy trì sự bình tĩnh. Tâm trạng tích cực của bạn thu hút những điều tích cực đến khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
Người Nhật hay nói “Hạnh phúc đến từ những tiếng cười ngay cánh cổng vào”. Tiếng cười đem lại Ki tích cực. Ý nghĩa của câu ngạn ngữ này là tích cực sẽ thu hút thêm tích cực, và hạnh phúc sẽ đến với bạn.
Một người có bản chất tích cực đủ mạnh mẽ có thể khiến nhóm bốn hoặc năm người nói chuyện một cách vui vẻ. Bởi vì tinh thần tích cực mạnh mẽ của anh ta có thể thay đổi môi trường xung quanh để nó trở nên tích cực thêm.
Người ta nói rằng “Dũng tướng không có bại binh”. Bởi vì sức mạnh tinh thần của ông ta sẽ được truyền cho binh lính. Mặt khác, một vị tướng hèn nhát sẽ lây truyền sự hèn nhát tới những người lính can đảm dưới trướng của mình như một bệnh dịch.
Nếu chúng ta quan tâm đến việc làm cho cả thế giới và toàn xã hội trở nên tươi sáng hơn, chúng ta chỉ cần phát huy suy nghĩ tích cực ở mỗi cá nhân và cố gắng thay đổi mọi thứ xung quanh mình sang chiều hướng tích cực.
Tích cực ngay cả trong nghịch cảnh
Những người đang mệt mỏi, bệnh tật thường rất tiêu cực. Mà người tiêu cực lại hay có xu hướng lây nhiễm sự tiêu cực ấy cho người khác. “Anh có thấy mệt mỏi không? Tôi đang phải chịu đựng cơn mệt mỏi này tới phát điên đây. Thật quá là khó chịu, anh có thấy vậy không?” Và cứ như thế, người đó càng trở nên tiêu cực hơn.
Những người như vậy nên tìm tới những người mạnh khoẻ và tích cực.
Phần lớn mọi người đang điều trị tại bệnh viện đều sống trong trạng thái tiêu cực như vậy. Ngay cả một người khoẻ mạnh cũng có thể yếu dần đi nếu anh ta cứ sống mãi trong môi trường như vậy một thời gian dài.
Trong trường hợp này, anh ta nên tìm cách khuyếch trương Ki rộng lớn hơn.
Hãy thử để ý khi sếp hay người thầy của bạn nhắc nhở, khiển trách bạn điều gì đó. Thông thường, bạn sẽ ỉu xìu, buồn bã hay thoải mái tiếp nhận những lời ấy? Thực ra, bạn nên nhận thấy rằng mình đang có một cơ hội tuyệt vời để nhìn thấy và sửa chữa lỗi lầm.
Nếu bạn tiếp nhận những lời góp ý một cách thoải mái và không lặp lại các sai phạm ấy, thì mọi chuyện bỗng hóa thành không và trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Ngay cả sau này nếu chuyện nhắc nhở lặp lại, bạn vẫn có thể tiếp tục khuyếch trương Ki và chỉnh sửa lại mọi thứ thật dễ dàng.
Quan trọng là đừng hướng suy nghĩ về vấn đề tiêu cực này. Nó chẳng đáng để bạn phải suy sụp. Người khiển trách bạn cũng sẽ “nguội” đi nhiều nếu bạn khuyếch trương Ki tích cực. Thay vì tức giận và la ó mười phần, có lẽ anh ta sẽ chỉ còn càm ràm chừng một, hai phần mà thôi.
Mặt khác, bạn cũng đừng trở nên giận dữ hoặc thù hằn đối với người đã khiển trách mình. Nếu bạn tỏ ra bực tức hoặc điên tiết, thái độ tiêu cực của bạn sẽ tác động tới người kia, và khiến họ càng khó chịu và bực bội hơn thường lệ. Và câu chuyện sẽ tệ hơn rất nhiều.
Chúng ta nên thực hành khuyếch trương Ki thường xuyên trong quá trình tập luyện Ki-Aikido. Bởi vì khi ta liên tục khuyếch trương Ki, đạo đường của chúng ta sẽ tràn ngập Ki.
Đó là lý do những người thường ốm yếu, bệnh tật có thể trở nên khoẻ mạnh, tích cực hơn chỉ bằng cách lui tới đạo đường và “hưởng sái” nguồn năng lượng (Ki) dồi dào ấy.
Những người thường ít tham gia các khoá huấn luyện, hay những người thường có Ki tiêu cực nhận ra rằng họ rất khó để tự khuếch trương Ki tích cực. Tuy nhiên, họ lại có thể làm việc đó rất dễ dàng nếu nhận được nguồn Ki tích cực từ nhiều người xung quanh.
Khi mọi chuyện đều ổn, ai cũng có thể giữ cho mình tích cực. Nhưng chúng ta nên giữ thói quen luyện tập khả năng thay đổi trạng thái từ tiêu cực sang tích cực, trong mọi trường hợp dù là khó khăn. Sự tích cực dẫn tới sự tích cực. Một hướng nhìn tích cực sẽ mang đến một cuộc đời tươi sáng hơn.
Ki của chúng ta luôn được kết nối với Ki rộng lớn của Vũ Trụ.
Nếu chúng ta khuyếch trương Ki của mình không ngừng, chúng ta sẽ ngày càng đến gần với nguồn năng lượng vô hạn ấy.
Chúng ta có thể khuyếch trương Ki bao nhiêu cũng được, bởi vì “nguồn cung” của Ki chẳng có điểm dừng.
Một khi Ki của chúng ta đã trở nên tích cực, đừng vội hài lòng và dừng ở đó.
Hãy tiếp tục lan truyền chúng tới tất cả mọi người. Nếu ví sự ảnh hưởng tích cực của bạn giống như ánh sáng, thì hãy tiếp tục chiếu rọi, từng chút từng chút một. Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể rọi sáng toàn thể tinh cầu.
Nhận biết trạng thái tinh thần của bạn
Rất nhiều người hiểu được tầm quan trọng của tinh thần tích cực. Tuy nhiên, luôn luôn suy nghĩ tích cực không phải là một điều dễ dàng.
Khi chúng ta ở trong trạng thái tiêu cực, chúng ta thường khó mà tự nhận ra điều đó. Trước khi cố gắng giữ tâm trạng tích cực, bạn cần nhận biết được chính xác trạng thái tinh thần của mình.
Thở-có-Ki là một cách để bạn có thể hiểu về bản thân mình hơn. Nếu bạn thực hành Thở-có-Ki hằng ngày, hơi thở của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng, và tâm trí bạn cũng trở nên tĩnh lặng.
Nếu tâm trí của bạn trở nên yên tĩnh giống như bề mặt của hồ nước tĩnh lặng, tâm trí bạn sẽ có thể phản chiếu rõ ràng mọi thứ. Trong trạng thái này, bạn có thể biết chính xác tinh thần của bạn có đang ở trong trạng thái tiêu cực hoặc bị ám ảnh bởi cái gì đó hay không.
Tôi luôn dạy học trò rằng trạng thái tinh thần này “giống như bề mặt tĩnh lặng của nước có thể phản chiếu ánh trăng và cánh chim bay, sự tĩnh lặng thật sự là điều kiện để tâm trí chúng ta có thể phản ánh rõ ràng mọi thứ.”
Trạng thái của tinh thần cũng tương tự như bề mặt của hồ nước. Khi tinh thần của bạn bị xáo trộn bởi lo lắng, thất vọng và căng thẳng, tâm trí của bạn giống như mặt hồ dậy sóng . Điều này ngăn bạn không thể nhìn thấy bất cứ điều gì. Nếu bề mặt của nước tĩnh lặng, nó sẽ phản chiếu mặt trăng là mặt trăng và cánh chim là cánh chim như khi soi qua một tấm gương.
Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể nhận thức được Vũ Trụ.
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta hãy sống và làm dịu tâm trí của mình bằng cách thực hành Thở-có-Ki.
Thực hành Thở-có-Ki sẽ nhắc nhở chúng ta có một tinh thần biết ơn Vũ Trụ, và tâm trí chúng ta sẽ trở nên tích cực một cách tự nhiên.
Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng có những điều tốt đẹp.
Ngay cả khi tinh thần của bạn tích cực, chỉ cần vài chuyện nhỏ không suôn sẻ xảy ra cũng có thể khiến tinh thần của bạn có thể trở nên tiêu cực một cách dễ dàng. Vì vậy, không chỉ rèn luyện tinh thần tích cực trong lúc thực hành Thở-có-Ki mà bạn còn cần rèn luyện để giữ được tinh thần tích cực trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Tuy nhiên, rèn luyện không có nghĩa là bạn buộc mình phải cố gắng suy nghĩ các vấn đề tiêu cực thành tích cực. Cách suy nghĩ này gây ra căng thẳng cho bạn và sự tiêu cực này sẽ lại thu hút những sự tiêu cực khác. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện tinh thần trở nên tích cực hơn?
Bạn có một ý thức mà có thể nhận biết được và một tiềm thức ẩn tàng mà bạn không thể nhận ra. Tiềm thức giống như nhà kho trong tâm trí bạn. Các chất liệu được lưu giữ trong tiềm thức tạo thành ý thức. Nói chung, điều này được gọi là sự vận hành của tâm trí.
Vì vậy, ngay cả khi bạn cố gắng để được suy nghĩ tích cực ở bề ngoài, trong khi tiềm thức của bạn vẫn tiêu cực, suy nghĩ bạn vẫn có thể dễ dàng trở nên tiêu cực. Để thay đổi tiềm thức sang hướng tích cực hơn, bạn sẽ cần luyện tập hàng ngày.
Phương pháp đơn giản nhất là sử dụng ngôn từ tích cực trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Ngôn từ có một sức mạnh to lớn. Những gì bạn nói sẽ chính là những gì bạn nghe, bởi vậy nó sẽ gắn liền với tiềm thức của bạn.
Nếu bạn liên tục nói với con mình rằng “Con đúng là một đứa trẻ thất bại”, nó sẽ tự nhủ với chính mình như vậy. Ngoài ra, bạn cũng có thể vô ý nói những từ ngữ tiêu cực với chính mình, những cụm từ như “Tôi không thể”, “Tôi ghét”,…
Nếu bạn nói “Tôi không thể”, điều này sẽ đi vào tiềm thức của bạn. Vì vậy, khi bạn làm điều gì đó, bạn sẽ nghĩ ngay rằng “Tôi không thể”.
Để giữ cho tinh thần luôn luôn tích cực, bạn cần luôn sử dụng ngôn từ tích cực. Ngay cả khi bạn nói ra những ngôn từ tiêu cực, bạn có thể thay đổi từ ngữ của bạn.
Khi bạn thay đổi tiềm thức để trở nên tích cực hơn, bạn có thể nhận ra sự tích cực của mọi việc xung quanh một cách tự nhiên. Hãy luôn “Thuận theo tự nhiên”. Khi bạn thuận theo tự nhiên, sẽ không có sự căng thẳng nào cả.
Nếu bạn chỉ muốn tích cực mà không thực hành để thay đổi tiềm thức của bạn, bạn cũng sẽ không thể thay đổi.
Có phương pháp luyện tập để tiềm thức của bạn trở nên tích cực hơn. Một trong những cách đó là bạn hãy viết, “Tôi sẽ là người có suy nghĩ tích cực” trên một tờ giấy và đặt nó vào phòng ăn hoặc phòng khách của mình. Nhìn thấy nó hàng ngày sẽ có hiệu quả lớn với bạn. Bạn có thể thử một cách khác, đó là nói rằng “Bạn sẽ là một người tích cực” với hình ảnh của bạn trong gương trước khi đi ngủ. Cách này cũng rất hiệu quả.
Mặc dù những phương pháp này đơn giản như vậy nhưng vẫn có nhiều người không làm được. Nhiều người hỏi tôi “Tôi nên làm điều này trong bao lâu?” Tôi trả lời, “Cho đến khi bạn có thể thay đổi”. Bạn cần phải làm điều đó trong ít nhất ba tháng.
Hiện nay các thông tin tiêu cực về tội phạm và hành vi bạo lực tràn ngập trên tin tức truyền hình hoặc trên báo chí. Truyền thông cần phải đăng tải sự thật và điều đó sẽ không thay đổi.
Nếu bạn đưa thông tin tiêu cực vào trong tâm trí của bạn, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể bạn mà bạn không nhận thấy. Tiêu cực được lưu trữ trong tiềm thức của bạn, và chúng sẽ trở lại trong những tình huống nào đó về sau.
Giữ tiềm thức của bạn ở trạng thái tích cực giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ bản thân bạn. Nghệ thuật tự vệ không phải là cách duy nhất để tự bảo vệ mình. Trước tiên, bạn cần phải giữ tâm trí của mình tĩnh lặng bằng cách thực hành Thở-có-Ki và suy nghĩ tích cực hơn. Hơn nữa, với việc thực hành để thay đổi tiềm thức của bạn hàng ngày, bạn có thể hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình một cách tích cực.
Cách suy nghĩ tích cực theo quy luật của Vũ Trụ
Nhiều người quan niệm rằng suy nghĩ tích cực là quan trọng. Mặt khác, có người lại nghĩ rằng suy nghĩ tích cực đôi khi lại tạo ra kết quả không tốt. Cách nhìn nào là đúng?
Điều quan trọng ở đây là cần phải định nghĩa được khái niệm “tích cực”.
Tôi đã nói rằng, việc sống theo quy luật của Vũ Trụ là rất quan trọng. Chúng ta nên hiểu rằng “trở nên tích cực” có nghĩa là tích cực thực sự với Vũ Trụ, và để làm được điều đó không phải là khó.
Đôi khi, điều tích cực với tôi lại không có ý nghĩa tích cực với những người khác. Cũng như vậy, có những điều ích lợi cho bạn lại là điều bất lợi cho người khác.
Tích cực thật sự là sự tích cực cho cả mình và người khác. Nếu chỉ có bạn trở nên tích cực, chứng tỏ có điều gì đó chưa đúng với cách suy nghĩ hoặc tiếp cận của bạn. Bằng cách áp buộc sự tích cực lên người khác với suy nghĩ mình là trung tâm, thì kết quả sẽ xảy ra những phản đối và mâu thuẫn.
Nếu bạn là một doanh nhân, doanh nghiệp của bạn sẽ không thể phát triển bền vững nếu đó là điều gây bất lợi cho khách hàng của bạn. Kể cả khi người doanh nhân kiếm được rất nhiều, nếu doanh nghiệp gây phá hoại môi trường, thì doanh nghiệp đó sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Đừng cân nhắc lợi và hại một cách ích kỉ. Chúng ta cần nghĩ đến lợi ích của khách hàng, cũng như cộng đồng và cả Vũ Trụ.
Hiện nay, giới truyền thông nói rất nhiều về lợi ích quốc gia. Tương tự như vậy, nếu một quốc gia chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình, thì đó không phải là lợi ích quốc gia đích thực. Lợi ích quốc gia đúng là cần phải tạo nên ích lợi cho đất nước mình và cho cả các quốc gia khác. Nếu một đất nước chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, thì sẽ xảy ra mâu thuẫn và chiến tranh.
Điều này cũng đúng với việc giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Hẳn nhiều người đã trải qua điều này. Khi bạn nói một điều gì đó bạn cảm thấy hay với người khác nhưng họ lại không đồng tình với bạn. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ khi cha mẹ nói với con cái: “Mẹ (Cha) nói điều này cũng chỉ vì lợi ích của con thôi.” Đúng là cha mẹ đã nói điều đó vì con mình. Tuy vậy, đôi khi mong muốn của cha mẹ lại không phải mong muốn của người con.
Rất nhiều lần cha mẹ không nhận thấy rằng họ đang áp đặt mong muốn của họ lên con mình. Nếu điều này xảy ra, sẽ có mâu thuẫn giữa phụ huynh và con cái của họ.
Ai cũng đều có thể nhìn nhận thấy sự ích kỷ trong mọi việc xung quanh. Vậy nên, chúng ta luôn cần kiểm chứng liệu sự tích cực của chính chúng ta có trùng khớp với sự tích cực của Vũ Trụ hay không.
Nếu sự tích cực này chỉ là cho bạn, bạn sẽ luôn có suy nghĩ mình là trung tâm trong mọi chuyện, và bạn sẽ luôn gặp mâu thuẫn với người khác. Nếu bạn không thể hòa hợp với người khác kể cả khi bạn đã cố gắng suy nghĩ tích cực, thì hãy đánh giá lại xem sự tích cực bạn nghĩ đến có phải là sự tích cực cho Vũ Trụ không.
Đây chính là cái bẫy của việc suy nghĩ tích cực.
Một số người nói rằng “Chúng ta cần cái tôi để phát triển”. Nếu cái tôi này có nghĩa là tư duy tốt cho sự phát triển của chính bạn và người khác, thì đó không phải là cái tôi.
Làm thế nào để chúng ta biết được sự tích cực của chúng ta hòa hợp với sự tích cực của Vũ trụ? Phương pháp Thở-có-Ki sẽ giúp chúng ta cải thiện khả năng nhận biết đó.
Bằng việc thực hành phương pháp Thở-có-Ki, tâm trí bạn sẽ trở nên an tĩnh, và không bị bám chấp vào bất kì suy nghĩ nào. Nếu bạn làm điều này, bạn sẽ tự nhận ra lối suy nghĩ của mình có đúng hay không hoặc bạn nên làm gì.
Tôi định nghĩa trạng thái này là “Ochitsuki” (sự an tĩnh mà vẫn có sự chú ý, quan sát, kết nối với môi trường xung quanh, đối lập với sự tĩnh tại mà vô hồn, trơ như hòn đá), và gọi tâm trí này là “Reiseishin” (tinh thần kết nối trực tiếp với tinh thần của Vũ Trụ).
Trong suốt Thế chiến Thế giới Thứ 2, tôi đã thoát chết nhiều lần bằng việc luyện tập Thở-có-Ki. Lúc đó, không thể có thời gian ngồi luyện tập Thở-có-Ki trên chiến trận được. Vậy nên, tôi đã tập luyện trong lúc hành quân. Thông thường, tinh thần của tôi trở nên tĩnh tại một cách tự nhiên, tuy vậy, đôi khi tinh thần của tôi không thể tĩnh lại được.
Khi cảm giác được tinh thần của mình không an tĩnh, tôi lập tức cử lính đi trinh sát, và kết quả là chúng tôi luôn phát hiện ra ổ mai phục của địch. Bằng sự cảm nhận của một tinh thần tĩnh tại, tôi có thể xác định được những tình huống nguy hiểm xảy ra quanh mình.
Trở về từ cuộc chiến, tôi vẫn tiếp tục luyện tập Thở-có-Ki cho tới tận ngày hôm nay. Nếu tinh thần tôi không trở nên an tĩnh sau khi luyện tập Thở-có-Ki, đó là dấu hiệu của sự nguy hiểm hoặc chứng tỏ trạng thái của tôi đang không tốt. Phương pháp Thở-có-Ki đã cứu tôi rất nhiều lần.
Tôi đã hướng dẫn những nguyên lý về Ki cho hàng trăm doanh nhân tại các buổi “Koichi Tohei’s Ki Dojo” được tài trợ bởi Hiệp Hội Tư Vấn Quản Lý Nhật Bản.
Những doanh nhân thường phải đưa ra những quyết định quan trọng hàng ngày. Nếu họ đưa ra quyết định dựa trên tinh thần lấy mình làm trung tâm, thì kết quả sẽ luôn tồi tệ. Còn nếu họ đưa ra quyết định với tinh thần hòa hợp với Vũ Trụ, với môi trường xung quanh, thì các quyết định sẽ trở nên đúng đắn.
Bởi việc luyện tập Thở-có-Ki và đưa tâm trí vào trạng thái tĩnh lặng, bạn sẽ luôn giữ được một tinh thần tĩnh tại. Người kinh doanh lại càng đặc biệt cần phát triển Reiseishin.
Tinh thần dẫn dắt thể xác
Tinh thần và thể xác vốn là một. Chúng ta gọi trạng thái đó là “Shin-shin ichinyo” (Thân-tâm hợp nhất).
Mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác được ví như quan hệ giữa “bạn đứng trước gương” và “hình phản chiếu của bạn trong gương”.
Trong ví dụ này, thứ đứng trước gương là “tinh thần” và sự phản chiếu trong gương gọi là “thể xác”. Không ai nói là “Tôi trở thành hai người” khi nhìn thấy ảnh phản chiếu của mình. Cả tinh thần và thể xác là bạn. Tuy vậy, tinh thần thì không có màu sắc, hình dạng và không thể cảm nhận bởi giác quan nào cả. Trong khi đó, thể xác lại hữu hình. Vậy nên con người nghĩ rằng tinh thần và thể xác tách rời bởi sự khác biệt vốn có của chúng.
Thể xác phản ánh trạng thái tinh thần của chúng ta.
Nếu bạn cười khi đứng trước gương, ảnh phản chiếu của bạn cũng cười. Nếu bạn thấy buồn và đứng trước gương, ảnh phản chiếu của bạn trông cũng buồn. Có một câu ngạn ngữ nói rằng, mặt bạn trong gương không bao giờ cười trước. Tinh thần tác động đến thể xác.
Đây là một ví dụ đơn giản. Hãy thử giơ tay mình lên trong lúc nghĩ “Tôi sẽ không bao giờ giơ tay lên”. Bạn có thể làm được không? Bạn có thể giơ tay lên bởi vì bạn nghĩ “Tôi có thể giơ lên”.
Ngược lại, hãy nghĩ “thể xác dẫn dắt tinh thần”. Cơ thể luôn chịu tác động từ thế giới xung quanh. Nếu thể xác dẫn dắt tinh thần, thì tinh thần của bạn sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi vạn vật và không thể trở nên tĩnh tại được. “Tinh thần dẫn dắt thể xác”, vì vậy, chúng ta có thể có một tinh thần mạnh mẽ. Kể cả khi cơ thể tôi bị ốm, tinh thần của tôi cũng không nhất thiết bị ốm theo. Khi cơ thể tôi gặp tình huống bất lợi, tinh thần của tôi cũng không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bất lợi đó.”
Thể xác là hữu hình. Tinh thần là vô hình. Bởi vậy, nhiều người trong chúng ta chỉ nghĩ làm thế nào để sử dụng cơ thể, và họ không nghĩ đến làm thế nào để vận dụng tinh thần. Có một sự khác biệt lớn giữa việc sử dụng cả tinh thần và thể xác khi làm việc, và làm việc chỉ với thể xác mà không có tinh thần. Mọi hành động đều sẽ đạt kết quả tốt hơn khi chúng ta vận dụng cả tinh thần.
Nếu tôi đưa cho bạn một ví dụ thực tế trong cuộc sống, hẳn bạn sẽ thấy dễ hiểu hơn.
Khi bạn làm gì đó, bạn có thể có một giây phút nghĩ rằng “Tôi không muốn làm” nhưng thể xác bạn vẫn làm nó. Đây là khi tinh thần và thể xác bị tách biệt. Trong trường hợp này, bạn dễ dàng thấy mệt mỏi và không đạt được điều gì tốt đẹp. Mặt khác, khi bạn làm việc mà tinh thần bạn muốn làm, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi và bạn sẽ làm một cách hiệu quả. Khi bạn không sử dụng tinh thần một cách tích cực và chỉ sử dụng cơ thể mình, bạn đang luyện tập cho sự tách biệt của tinh thần và thể xác. Còn lại, khi bạn vận dụng tinh thần một cách tích cực, hướng tới việc đang làm và sử dụng cơ thể, trạng thái này gọi là tinh thần và thể xác hòa hợp.
Một ví dụ thường thấy về sự tách biệt của tinh thần và thể xác là khi bạn đi lên cầu thang. Nếu bạn đang suy nghĩ về điều gì đó và đi lên cầu thang, bạn sẽ rất dễ bị vấp ngã.
Một ví dụ khác có thể xảy ra khi bạn rời khỏi nhà và không thể nhớ nổi mình đã khóa cửa hay là chưa. Theo thói quen, có thể bạn đã khóa cửa, tuy nhiên khi rời khỏi nhà, nếu tinh thần và thể xác không hòa hợp, bạn sẽ không thể nhớ nổi.
Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp khi bạn chỉ nhìn thấy chữ khi đọc sách, khiến bạn phải đọc lại thì mới hiểu được nội dung? Đây cũng là ví dụ của việc tách biệt tinh thần và thể xác. Như đã diễn giải ở trên, sự hòa hợp và tách biệt của tinh thần và thể xác có thể xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ngày nay mọi người được dạy rằng tinh thần và thể xác là hai thứ tách biệt. Nhiều người nghĩ rằng tinh thần và thể xác khác biệt là lẽ tự nhiên. Mọi người cũng nghĩ việc tinh thần và thể xác tách biệt là tự nhiên. Nếu bạn muốn đưa hai thứ về làm một, thì rất khó. Tuy vậy, tinh thần và thể xác vốn là một, chính vì thế, sử dụng chúng cùng lúc là lẽ tự nhiên.
Để sử dụng tinh thần và thể xác cùng nhau, điều quan trọng phải nhớ là “Tinh thần dẫn dắt thể xác”. Trước khi sử dụng thể xác, bạn cần sử dụng tinh thần một cách rõ rệt trước. Bằng cách đó, bạn có thể sử dụng tinh thần và thể xác cùng lúc.
Trong chương đầu, tôi đã lý giải những điều quan trọng về cách suy nghĩ để hiểu được phương pháp “Thở-có-Ki”. Trong chương kế tiếp, tôi sẽ nói về tư thế tự nhiên (tư thế với tinh thần và thể xác hòa hợp), điều cần thiết để tập luyện phương pháp “Thở-có-Ki”.