Thức dậy vào buổi sáng với tinh thần tích cực

Như mỗi năm chỉ có một ngày mùng một Tết, mỗi ngày cũng chỉ có một khoảnh khắc lúc bạn thức giấc vào buổi sáng.

Nếu bạn thức dậy với tâm trạng không vui, mặc dù bạn không ý thức về điều đó, cảm giác đó vẫn theo bạn và làm cho Ki của bạn trở nên tiêu cực. Nó sẽ khiến cho cả ngày của bạn không mấy tốt đẹp. Bạn sẽ tự nói với bản thân rằng: “Sáng nay khi thức dậy, tôi cảm thấy nặng nề, có lẽ hôm nay mọi việc sẽ chẳng đâu vào đâu.”

Các bài tập phát triển Ki là một cách rèn luyện để duy trì một dòng chảy liên tục Ki tích cực. Bạn phải có Ki tích cực khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Bạn nên bắt đầu tập thói quen thức dậy nhanh chóng, đá văng chăn mền và bật dậy vào giây phút mà bạn tỉnh giấc.

Nhiều người tỉnh giấc và nằm lăn lộn mà không chịu ngồi dậy. Đây là thói quen sẽ làm cho ý chí của bạn trở nên yếu đuối. Đầu tiên, vào những thời điểm đó, không có cái gì rõ ràng đi vào trong tâm trí bạn. Ý thức của bạn là mơ hồ và bạn ở trong trạng thái hoàn toàn nghe theo bản năng.

Ngủ là khoảng thời gian Ki của Vũ trụ đi vào cơ thể bạn, vì vậy bạn nên ngủ yên giấc. Nhưng một khi đã tỉnh thì nằm trên giường không giúp ích gì cho cơ thể. Bạn phải cương quyết nhảy ra khỏi giường, ý thức mạnh mẽ sẽ làm cho một ngày của bạn được khởi động một cách tích cực.

Chỉ cần làm việc này thôi cũng đã giúp bạn củng cố sức mạnh ý chí của mình. Những người trẻ muốn rèn luyện ý chí nên đặc biệt lưu tâm đến việc nuôi dưỡng thói quen này.

Khi tôi còn trẻ, tinh thần và thể xác của tôi rất yếu đuối.

Do ngủ không ngon vào buổi tối, tôi bị mệt mỏi và uể oải và cảm thấy thật khó khăn để thức dậy vào buổi sáng. Bất cứ việc gì tôi bắt đầu, sự kiên nhẫn của tôi đều có hạn và tôi luôn bỏ dở nửa chừng. Tôi nghĩ lỗi hoàn toàn là do thân thể ốm yếu của mình.

Năm 16 tuổi, tôi bị viêm màng phổi, sau khi trải qua một năm điều trị bệnh tình càng ngày càng xấu đi. Bây giờ khi nghĩ lại, tôi nhận ra là tôi đã đầu hàng bệnh tật và hoàn toàn chính là do Ki tiêu cực của tôi đã trì hoãn sự hồi phục của cơ thể. Tôi đã dành toàn bộ thời gian lo lắng rằng kể cả hết bệnh đi chăng nữa tôi cũng sẽ chẳng bao giờ hồi phục hoàn toàn. Điều đó làm tôi không thể mạnh mẽ lên chút nào. Trong một năm trị bệnh đó, tôi đã có một có hội tự phản tỉnh và nhận ra rằng tôi không thể tiếp tục con đường mình đang đi. Một điều tốt xảy đến với tôi là tôi đã đọc được một số sách giúp cải thiện bản thân. Chúng khiến tôi nhận ra rằng tôi phải làm gì đó để tôi luyện thân thể. Điều đó đã mang lại lợi ích rất to lớn.

Trong quá trình đọc sách, tôi đã đi đến chỗ sáng tỏ rằng ý chí của tôi quá yếu đuối và tôi phải củng cố và rèn luyện nó. “Được rồi ” – tôi nói – “Hãy rèn luyện sức mạnh ý chí “. Tôi đã quyết tâm bắt tay vào việc đó.

Ít nhất đó là điều tôi có thể làm. Bác sĩ nói tôi vẫn chưa thể luyện tập lại nên sau khi suy nghĩ kĩ, tôi quyết định tắm nước lạnh hàng ngày.

Đó là vào mùa hè nên tắm nước lạnh khá dễ chịu. Ngay khi tỉnh, tôi nhảy khỏi giường chạy đến phòng tắm và dội hai mươi đến ba mươi xô nước lạnh lên đầu và lên người. Sau đó tôi lau mình và chà người thật kĩ bằng
khăn tắm khô. Một lúc sau, tôi đã lấy lại ý thức vào buổi sáng bằng ý niệm tức thì về nước lạnh. Đầu của tôi ngay lập tức tỉnh táo. Tôi đã nói với chính mình: “Nằm lì trong chăn ấm không giúp ích gì cho mình.” Những thói quen xấu của tôi đã thay đổi hoàn toàn, và vào buổi tối tôi ngủ một cách ngon lành.”

Dĩ nhiên là dần dần đã đến mùa thu. Nhiệt độ hạ xuống, nước lạnh hơn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng việc luyện tập này lại. Không có dấu hiệu của việc chịu đựng, tôi đã tiếp tục tắm nước lạnh trong suốt thời tiết lạnh giá, cơ thể của tôi đã mạnh mẽ hơn đến mức tôi có thể tiếp tục với các luyện tập khác. Sau đó, tôi đã tập Thiền, thở Misogi và ngồi dưới thác nước. Tôi đã luyện tập chúng và các môn khác một cách siêng năng cho đến khi tôi thành thạo. Tắm nước lạnh là cơ hội đầu tiên. Ki của tôi trở nên tích cực, càng ngày càng mạnh mẽ. Tôi may mắn đã có những người thầy tốt, và tôi đã đạt đến trình độ có thể giải thích về Ki tích cực cho mọi người trên thế giới.

Điều quan trọng đối với những người trẻ lên kế hoạch bắt đầu từ hôm nay để phát triển trong tương lai chính là thức dậy vào buổi sáng, đối diện với ngày mới bằng một thái độ tích cực: “Tôi sẽ cố gắng hết sức.”

Một bước đầu tiên ở vạch xuất phát sẽ đưa đến hàng ngàn bước trong cả đoạn đường sau này.

Hãy thực hành nguyên tắc này, bắt đầu từ ngay bây giờ.

Phục hồi Ki trong khi ngủ

Ngủ là quá trình quan trọng để phục hồi Ki. Khi thức người ta tiêu tốn Ki liên tục. Mọi người nhìn, nghe, ngửi, nếm và chạm mọi vật bằng năm giác quan. Tất cả mọi hoạt động đó đều là hoạt động của Ki. Vì vậy chúng ta cần bổ sung Ki bù vào phần đã tiêu hao. Ngủ và Thở-có-Ki là cách để bổ sung Ki hiệu quả nhất. Ngủ là hoạt động giúp bổ sung Ki của Vũ trụ.

Vào ban đêm, khi đang ngủ, tinh thần của chúng ta yên tĩnh. Vào lúc này Ki của Vũ trụ chảy đầy cơ thể. Khi thức dậy sau một giấc ngủ yên ổn, Ki được sạc đầy, sức lực được làm mới và chúng ta cảm thấy khỏe khoắn.

Tuy nhiên nếu đầu óc bạn bị kích động mà không chịu nghỉ ngơi, nó sẽ ngăn cản dòng chảy của Ki. Khi bạn thức giấc vào buổi sáng, vì nguồn cung cấp Ki không đủ, bạn không thể thức dậy ngay lập tức hay hồi phục tinh thần và thể xác, kể cả khi bạn đã ngủ 10 tiếng đồng hồ.

Thuốc ngủ làm giảm độ nhạy của não và làm người ta chìm vào giấc ngủ. Khi đầu óc của bạn tĩnh lặng và bạn ngủ ngon giấc, chúng ta có thể phục hồi Ki từ Vũ Trụ. Tuy nhiên nếu bạn ngủ trong trạng thái tinh thần vô tri vô giác, bạn không thể phục hồi Ki một cách đầy đủ. Nếu bạn thường xuyên sử dụng thuốc ngủ vì không ngủ được bạn sẽ sớm trở nên thiếu hụt Ki. Bạn sẽ trở nên lơ đãng và mất đi động lực cho tất cả mọi việc. Thêm vào đó, sinh lực và thể lực của bạn sẽ suy giảm, bạn trở nên mẫn cảm với bệnh tật. Bởi vì khi bạn khuếch trương Ki, Ki sẽ đi vào tinh thần và cơ thể bạn.

Rất nhiều người không coi trọng sự cần thiết của giấc ngủ để phục hồi Ki từ Vũ Trụ. Để làm việc thêm giờ, họ bỏ qua sự quan trọng của thời điểm đi ngủ. Khả năng phục hồi Ki bị suy giảm và hệ quả là họ bị bệnh. Sau đó họ phải sử dụng thuốc ngủ nếu không thì không ngủ được vào ban đêm. Họ đang vô tình rút ngắn tuổi thọ của mình. Vì những người đã học cách phát triển Ki đúng đắn luôn giữ nhất-điểm ở bụng dưới và giữ cho tinh thần an tĩnh, họ không có vấn đề gì với việc nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Nếu bạn có 10 đến 15 phút rảnh trong ngày và muốn ngủ, bạn nên có khả năng ngủ yên ổn.

Đổ một ít nước vào chậu và khuấy nó lên. Bây giờ hãy cố gắng làm mặt nước phẳng lặng bằng tay của bạn. Thực ra, bạn chỉ có thể làm nó xao động thêm lên mà thôi. Hãy đợi một thời gian, mặt nước sẽ tự phẳng lặng trở lại mà bạn không cần làm gì.

Đầu óc của con người cũng hoạt động như vậy. Khi suy nghĩ, bạn tạo ra những làn sóng trong tâm trí. Cố gắng làm dịu đi làn sóng ấy bằng suy nghĩ thì chỉ phí công. Người bị mất ngủ và nằm suy nghĩ “Ngủ đi, ngủ đi” đang tạo ra nhiều náo động trong tâm trí. Người ta khó ngủ là vì, khi họ càng cố gắng, họ càng suy nghĩ liên tục và làm tâm trí bị khó chịu. Họ tự tạo vấn đề cho bản thân bằng các ý nghĩ như, “Nếu tôi không ngủ, ngày mai tôi không thể làm việc”, và thậm chí chuyển qua chỉ trích vô ích các vấn đề đang làm họ phiền muộn, cho đến khi họ hoàn toàn không ngủ được. Khi tinh thần bạn bị kích động, nằm im xuống, và nó sẽ tự động tĩnh lại. Khi tâm trí đã yên tĩnh, giấc ngủ sẽ tới.

Một phương pháp mẹo quen thuộc là đếm từ 1 đến 10 cho đến khi bạn buồn ngủ cũng hoạt động trên nguyên tắc như vậy.

Bạn không phải suy nghĩ về việc đếm tới 10, trong khi bạn lặp lại dãy số một cách máy móc lần này qua lần khác, tâm trí của bạn an tĩnh lại và bạn buồn ngủ. Thỉnh thoảng cách này cũng có ích.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy mẹo này không có tác dụng với họ.

Người có tính hay lo lắng thậm chí không thể đếm đến 10 một cách rõ ràng, bởi vì họ không thể dừng cho rằng dù họ có làm kiểu gì đi chăng nữa, họ cũng không ngủ được.

Chúng ta phải giữ một niềm tin vững chắc rằng nếu chúng ta không thể ngủ, chúng ta thức cũng không sao. Người ta không thể sống mà không ngủ, sớm hay muộn, giấc ngủ sẽ tự nhiên đến.

Nếu bạn thực sự buồn ngủ, bạn sẽ không thể thức được. Chịu đựng để bắt mình ngủ là một việc ngốc nghếch. Khi bạn thức, hãy luyện tập đầy đủ; và khi lên giường, bạn có thể ngủ được. Nếu không ngủ được, đừng có cảm giác rằng bạn nhất định phải ngủ. Thông thường, khi máu dồn lên não làm trán trở nên nóng và bàn chân lạnh sẽ dẫn đến hậu quả là khó ngủ. Từ ngày xưa người ta đã giữ cơ thể khỏe mạnh đúng cách đó là giữ đầu mát và bàn chân ấm. Nếu bạn nghe theo lời khuyên này, bạn sẽ có thể ngủ ngon.

Trong những trường hợp này, thực hành chuyển sự tập trung của bạn bằng cách làm yên tĩnh Ki vào nhất điểm ở bụng dưới. Làm vậy bạn có thể ngủ ngon bất cứ lúc nào, và phục hồi được Ki đã mất.

Đầu tiên, nằm ngửa duỗi thẳng chân tay một cách thoải mái. Sau đó, toàn bộ tâm trí của bạn hãy hình dung rằng máu đang dần dần chảy xuống đầu ngón chân. “Tinh thần dẫn dắt thể xác”, vì vậy, điều đó sẽ xảy ra. Tuần hoàn máu sẽ cải thiện và bàn chân bạn sẽ trở nên ấm áp.

Khi cảm thấy bàn chân ấm áp, bạn sẽ buồn ngủ. Thậm chí trước khi thấy điều đó, bạn sẽ nhiều lần ngủ gà ngủ gật.

Nhiều người ăn hoặc uống ngay trước lúc lên giường. Tuy nhiên mục đích của việc ngủ là để tinh thần và thể xác hoàn toàn nghỉ ngơi. Ki được dùng để tiêu hoá thức ăn, vì vậy, Ki không được phục hồi đầy đủ.

Chất lượng của giấc ngủ được quyết định bởi khả năng trao đổi Ki với Vũ Trụ. Việc ngủ với trạng thái hợp nhất của tinh thần và thể xác thực sự quan trọng.

Một ngày mới bắt đầu từ trước khi đi ngủ

Thỉnh thoảng chúng ta thấy khó ngủ trước một sự kiện quan trọng hay có điều gì đó lo lắng. Nhiều người sẽ đồng ý khi cho rằng nếu không dành ra một chút thời gian để ngủ, cơ thể sẽ không tiếp tục hoạt động nổi. Có đôi lúc người ta cố mà mãi vẫn không ngủ được.

Nếu điều đó xảy ra, hãy dành 30 phút hàng ngày hoặc nhiều hơn để thực tập Thở-có-Ki. Nếu bạn không có nhiều thời gian như vậy, chỉ cần nằm xuống và Thở-có-Ki.

Nếu bạn tập Thở-có-Ki trước khi ngủ, bạn có thể khiến tiềm thức của mình trở nên tốt hơn. Vì vậy cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Tiềm thức của bạn hoàn toàn thay đổi khi bạn ngủ.

Khi bạn thức, ý thức hoạt động là chủ yếu. Nhưng khi bạn ngủ, tiềm thức sẽ thay thế. Vì vậy những tầng sâu của tâm thức sẽ được thay đổi trong suốt giấc ngủ. Nếu chúng ta luôn vệ sinh thân thể sạch sẽ trước khi ngủ hẳn là chúng ta cũng muốn vệ sinh cả bên trong cơ thể. Vệ sinh bên trong cơ thể, chính là làm sạch cơ quan nội tạng và đường ruột. Phương pháp để thanh lọc nội tạng và đường ruột chính là Thở-có-Ki. Khi chúng ta thanh lọc cơ thể bên trong, chúng ta cũng đang thanh lọc tinh thần.

Nếu chúng ta tập Thở-có-Ki trước khi ngủ, chúng ta có thể tiêu hoá hết thức ăn trong lúc ngủ. Một sự trao đổi Ki mạnh mẽ với Ki của Vũ Trụ sẽ giúp chúng ta thức dậy và tràn đầy năng lượng vào sáng hôm sau. Nếu chúng ta không nghỉ ngơi đúng mức, cơ thể sẽ không có cơ hội tự thanh lọc và phục hồi.

Ngoài ra, lý do mà tôi đề nghị các bạn tập Thở-có-Ki trước khi ngủ đó là vì một ngày không bắt đầu lúc bạn thức giấc, mà đã bắt đầu từ trước khi bạn lên giường. Vì vậy tập Thở-có-Ki trước khi đi ngủ là sự chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Nếu bạn tập Thở-có-Ki mỗi đêm, bạn sẽ có thể ngủ bất cứ lúc nào bạn muốn. Suy nghĩ của bạn sẽ sáng suốt hơn rất nhiều so với việc cố sử dụng một bộ não mệt mỏi. Chỉ cần chợp mắt năm đến mười phút.

Bất cứ ai không ngủ được đều cảm thấy ghen tị với người vừa nói: “Tôi ngủ một lát nhé” và liền đánh ngay một giấc. Khả năng có thể ngủ bất kì lúc nào bạn muốn giúp ích rất nhiều cho sức khoẻ của bạn, nhưng nó đòi hỏi một kĩ thuật đặc thù.

Ăn uống với lòng biết ơn đối với Vũ Trụ

Chúng ta phải ăn để duy trì sức khỏe. Tương tự như việc ngủ nghỉ, ngày nay người ta có xu hướng đánh giá thấp việc ăn uống.

Nguyên liệu nấu nướng tốt, cân bằng dinh dưỡng và phương pháp chế biến là những yếu tố quan trọng. Quan trọng hơn là tiếp nhận được Ki thông qua việc ăn uống những thực phẩm có trong Vũ Trụ.

Sự sống tồn tại, không chỉ trong động vật, mà trong từng cái cây, ngọn cỏ và mọi sinh vật. Chúng ta có thể duy trì sự sống là nhờ việc hấp thu các sinh vật đó. Hiểu được điều này, chúng ta đương nhiên nên có sự biết ơn đối với Vũ Trụ trước khi ăn hay uống.

Tuy nhiên phần lớn mọi người quên đi sự thật này và chỉ nghĩ về việc ăn uống. Có một vài người, khi đi ăn buffet, luôn lấy quá nhiều thức ăn và không ăn hết. Nếu họ nghĩ rằng chỉ cần trả tiền là có thể lãng phí thức ăn, thì thật không quá khi nói rằng thái độ của họ đối với thực phẩm đã bỏ qua những nguyên tắc của Vũ Trụ.

Việc quan trọng nhất trong bữa ăn là đưa Ki vào thức ăn. Khi đưa Ki vào thức ăn, bạn thể hiện sự cảm kích đối với Vũ Trụ và người nấu ăn. Bằng cách sử dụng tinh thần một cách rõ ràng, chúng ta có thể tiêu hoá thức ăn tốt hơn, trân trọng bữa ăn hơn. Đó là lý do tại sao khi có-Ki người ta ăn uống ngon miệng hơn.

Thỉnh thoảng tôi thấy có người vừa ăn vừa đọc báo hay tạp chí. Tinh thần của họ hướng đến báo và tạp chí nên họ không thể hướng Ki vào bữa ăn. Trong trường hợp này, người ta không thể thưởng thức hương vị và có khi không biết là mình đã ăn hay chưa. Khi đó, không có sự biết ơn dành cho Vũ Trụ và người nấu. Ở đây Ki đã bị ngắt, không giao lưu được với Ki của Vũ Trụ và bạn đánh mất sự hợp nhất của thể xác và tinh thần.

Ngày nay có rất nhiều loại thuốc bổ. Tôi nghĩ một trong những lý do khiến người ta tìm đến thuốc bổ quá nhiều là do sự thiếu niềm tin vào thực phẩm. Điều đó không chỉ đến từ việc thiếu tin tưởng vào thực phẩm mà còn do người ta không hiểu về bản chất của thức ăn.

Để tinh thần và thể xác khỏe mạnh, ăn uống là cần thiết. Ăn uống với thái độ biết ơn đối với Vũ Trụ cho phép người ta tiếp nhận được Ki của Vũ Trụ vào trong cơ thể.

Nguyên tắc Bất-phân-tranh

Giữ gìn các mối quan hệ lành mạnh với người khác để duy trì sức khỏe tinh thần và thể xác là một điều rất quan trọng.

Dưới góc độ nhất nguyên, Vũ Trụ là tuyệt đối, vì vậy chúng ta không có lý do nào để đấu tranh. Xung đột chỉ nảy sinh khi ý niệm về nhị nguyên xuất hiện.

Khi quá tập trung vào thế giới tương đối, chúng ta sa vào quan điểm rằng đấu tranh là một điều tất yếu. Chúng ta quên đi bản chất tự nhiên của Vũ Trụ.

Ngày nay người ta cho đó là một khái niệm khó hiểu và mơ hồ.

Có quá nhiều người thời nay cảm thấy rằng không thể sống mà không xảy ra xung đột. Cũng có nhiều người không từ thủ đoạn để giành được uy thế và phải chiến thắng bằng mọi giá, kể cả việc áp bức người khác.

Dĩ nhiên, tình huống thậm chí oái ăm hơn khi họ là những người ngồi lại để thảo luận về hoà bình thế giới.

Nếu chúng ta thật sự khao khát hoà bình thế giới, mỗi cá nhân phải quay lại với tinh thần tự nhiên của Vũ Trụ và thấu hiểu được ý nghĩa của nguyên tắc bất-phân-tranh.

Nhiều người tin rằng, nguyên tắc bất-phân-tranh có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với bất cứ điều gì mà người khác nói, hay chúng ta sẽ không phản kháng nếu có ai đó tấn công và đó là một lối sống rất nhu nhược. Thực sự thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Nguyên tắc bất-phân-tranh đòi hỏi một tinh thần vô cùng mạnh mẽ.

Nó đòi hỏi một sự trau dồi đầy đủ Ki tích cực trong tinh thần và thể xác để giúp chúng ta tránh được việc nhận vào dù chỉ rất ít Ki tiêu cực của đối phương.

Trong tự nhiên, tình huống này tương tự như khi có dòng nước ngầm sạch trong phun trào lên từ dưới đáy hồ. Trên đường lên đến mặt hồ, không có nước bùn dưới đáy hồ hoà vào dòng chảy. Khi bạn có Ki tích cực và khuếch trương được sự tích cực thì không một chút Ki tiêu cực nào xung quanh có thể đi vào cơ thể bạn. Cũng giống như nước bùn sẽ hoà lẫn và làm đục dòng nước phun lên nếu nó ngừng phun chỉ một chốc lát, ngay khi bạn ngừng khuếch trương Ki, bạn sẽ tiếp nhận tất cả Ki tiêu cực ở xung quanh mình.

Vì vậy nguyên tắc bất-phân-tranh đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ, liên tục có Ki và khuếch trương Ki đến Vũ Trụ. Một tinh thần mà Ki của chúng ta giao hoà hoàn toàn với Ki của Vũ Trụ.

Thực hành nguyên tắc bất-phân-tranh cho phép bạn vượt qua sự thất vọng mà không bị dày vò, cười xoà trước lời vu khống, và dẫn dắt được bất kì kẻ tấn công nào mà không bị dính đòn.

Những người thà khóc đến khi ngủ thiếp đi chứ không kháng cự hay kể cả phản ứng lại với những bình luận ác ý của người khác không phải là đối tượng chúng tôi đề cập đến khi nói về nguyên tắc bất-phân-tranh.

Chôn chặt những lời nói và cư xử của đối phương trong lòng không phải là bất-phân-tranh thực sự, đó là sự cam chịu. Mặc dù không nói ra ngoài miệng nhưng trong lòng bạn lại thấy sục sôi. Xung đột và mâu thuẫn nội tâm cũng là một dạng đấu tranh.

Nguyên tắc bất-phân-tranh chúng tôi đang nói đến đây là khi chúng ta không dung dưỡng cảm xúc tồi tệ để chống lại thái độ tiêu cực của đối thủ, mà với sự hào phóng như đại dương nơi chấp nhận tất cả các phụ lưu, chúng ta giữ gìn sự tĩnh tại trong lòng mình.

Trước đây, có một nhân viên công sở đang trong quá trình học cách để đạt tới trạng thái hoà hợp tinh thần và thể xác. Một ngày khi gặp vấn đề anh ta đến tìm tôi. Anh ấy nói :

– “Tôi thường xuyên bất đồng quan điểm với sếp ở văn phòng và luôn kết thúc bằng cãi vã. Sếp của tôi thì ngang bướng còn tôi thì nóng tính.

Mặc dù tôi biết cãi nhau là không tốt nhưng tôi không dừng được. Bất cứ khi nào sếp nói gì không hay về tôi tôi đều tức giận. Tôi muốn biết mình có thể làm gì để giải quyết vấn đề này.”

– “Bạn đã học cách đạt tới trạng thái hoà hợp giữa tinh thần cùng thể xác và làm chủ nó chưa ?” – Tôi hỏi.

– “Vâng tôi đã hiểu rõ nó”.

– “Vậy thì nó thực sự là khá đơn giản. Khi ai đó nói những điều không vui về bạn, bạn hãy giữ nhất-điểm ở bụng dưới, khuếch trương Ki mạnh mẽ ra phía trước và không suy diễn lời người ta nói. Nếu bạn làm như vậy, tất cả những điều không tốt mà người khác nói sẽ trở về với họ. Ví dụ, nếu sếp bạn gọi bạn là một thằng đần, và bạn từ chối nhận lời anh ta nói, nó trở về với người nói, kết quả là anh ta tự bảo chính mình đần. Bạn sẽ cười và đồng ý nếu sếp của bạn định nói là “Tôi là một thằng đần” có phải không ? Hãy cố gắng suy nghĩ theo cách này và quan sát gương mặt đối phương. Gương mặt của người bị chọc giận, bởi chính bản thân anh ta, ngay lập tức trở nên khá là buồn cười.”

Anh ta rõ ràng là đã thực hành ngay lời khuyên của tôi. Dù cho sếp có giận dữ đến mức nào, anh ấy chỉ cười và đáp lại vâng, vâng. Cuối cùng sếp anh ấy hét ầm lên rằng nói chuyện với học trò của tôi chỉ làm ông ấy tức giận thêm. Và ông ấy đã bỏ đi.

Người ta nhận ra rằng, khi đối diện với gương mặt tươi cười của đối phương, thật ngu ngốc và vô ích khi tức giận một mình. Hoàn toàn tương tự với sự đe dọa. Nếu người bị đe dọa giữ nhất-điểm và bình tĩnh thì chính họ mới là người gây ra sự đe dọa.

Một vài ngày sau, sếp của học trò tôi hỏi anh ấy rằng: “Có cái gì đó dường như rất buồn cười. Gần đây anh có vẻ đã học được điều gì mới chăng ?”

Anh ấy đã giải thích toàn bộ với sếp và sếp đã nói rằng cãi nhau thật quá vô ích và ông ta đã quyết tâm chấm dứt điều đó.

Thường thì cứ sau mỗi cuộc tranh cãi giữa bạn bè với nhau, ai cũng tự nhủ rằng: “Anh ta sai rồi, cho nên anh ta phải xin lỗi mình trước chứ. Mình đâu có làm gì không đúng.” Chúng ta vẫn hay cho rằng ngay cả giữa kẻ cướp với nhau thì cũng cần phải có công bằng, và thực ra thì trong các mâu thuẫn kiểu này, cả hai bên đều đúng, và đều sai. Nếu tất cả đều đúng, thì đâu có lý do gì để cãi nhau.

Trước tiên, những ai thực hành các nguyên lý của Ki thì luôn giữ được nhất-điểm nơi bụng dưới. Do đó, họ không nên mất bình tĩnh. Ta phải cân nhắc giữa việc nổi nóng hay là tranh cãi, bỏ qua nguyên nhân hay chịu đựng sự xấu hổ.

Nhưng một khi chuyện đó lỡ xảy ra, ta sẽ không có cách nào khác ngoài việc lập tức lấy lại nhất-điểm nơi bụng dưới, và trấn tĩnh lại tinh thần. Nếu làm được điều đó, tinh thần bạn sẽ trở nên điềm tĩnh, lòng độ lượng cũng được mở rộng thêm, và nhận thức được khuyết điểm của chính mình.

Thật dễ dàng để nhìn ra lỗi lầm của người khác, nhưng lại không dễ để nhìn nhận lỗi lầm của bản thân, đặc biệt là khi bực bội đang dồn lên đầu mình. Mỗi lần như vậy, ta thậm chí còn không nhận ra lỗi của chính mình, mà chỉ tranh cãi theo cách cố chỉ ra điểm sai của người kia. Nếu ta có thể đánh giá được bản thân mình sai từ đâu, có lẽ ta đã không phải cãi nhau.

Vì thế, khi một cuộc tranh cãi dường như có thể sắp xảy ra, hãy sớm giữ nhất-điểm của mình trước đối phương, nhận ra lỗi của chính mình, và xin lỗi đối phương trước.

Ít nhất cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng để tha thứ cho bạn của mình, và bạn sẽ tiến lên cao hơn bạn mình một bậc. Xung đột chỉ xảy ra khi cả hai bên đều ở cùng mức độ ngang nhau.

Nếu là giữa mẹ và con, người mẹ luôn tha thứ cho người con. Khi bạn ở vị trí cao hơn, bất hòa sẽ chẳng thể xảy ra giữa bạn và người khác. Trước hết, hãy chấp nhận bạn bè mình từ tận đáy lòng, và tha thứ cho người ấy, và ngỏ lời xin lỗi trước.

Bạn của bạn sẽ thấy bối rối và nhận ra khuyết điểm của bản thân.

Một khi bạn hiểu được giá trị của lời xin lỗi, đừng để bản thân bị đưa tới một thái cực nực cười, cuốn vào một cuộc xung đột mà bỏ qua quyền được nói rằng mình đã sai rồi.

Lối tắt đưa tới giải pháp cho mọi vấn đề chính là hãy mở lòng và tha thứ cho bạn bè mình trước khi mọi xung đột có thể bắt đầu.

Để cãi nhau thì phải cần tới hai người, nếu bạn không tham gia, thì người kia còn cãi nhau với ai đây.

Trong việc đánh trạnh, có một quy tắc từ xa xưa nói rằng có ba cách để giành chiến thắng, đó là:

1. Chiến đấu và chiến thắng
2. Chiến thắng mà không cần chiến đấu.
3. Chẳng làm gì và chiến thắng.

 

Cách thứ nhất, “chiến đấu và chiến thắng”, là cách thường gặp nhất và có cấp độ thấp nhất trong ba cách.

Cách thứ hai, “chiến thắng mà không cần chiến đấu”, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hoàn hảo tất cả những điều kiện cần thiết để giành chiến thắng trước tiên. Đây là cách an toàn và có cấp độ trung bình so với hai cách kia.

Cách cuối cùng, “chẳng làm gì và chiến thắng” là cách an toàn nhất bởi chừng nào không có chiến đấu thì chừng đó sẽ chẳng có ai thua cuộc.

Trong phương pháp này, ta vô hiệu hóa đối phương và khiến họ phải hướng theo ta mà chẳng cần động thủ. Để đi tới chiến thắng, ta nên chiến thắng theo cách hiệu quả nhất. Đó chính là bởi chẳng có lý gì mà ta lại phải chọn phương pháp kém cỏi nhất để đi tới chiến thắng cả.

Trước đây, có một cặp đôi trẻ thường xuyên cãi nhau và đi tới bờ vực chia tay. Bởi vì người chồng có học Ki, nên bạn bè cậu ta đã tới gặp tôi và nhờ tôi giúp.

Khi tôi lắng nghe cả hai bên nói chuyện, họ đều nói về người kia. Tôi khám phá ra rằng cả hai vợ chồng đều không hề nhắc tới sai lầm của chính mình mà chỉ phàn nàn về đối phương.

Người vợ không hề có ý nhường nhịn, mỗi khi chồng nói một câu, cô ta đều đáp trả gấp ba lần.

Không có gì khó khăn bằng việc làm trung gian giữa một cặp đôi trẻ đang xung đột. Dù ta có nói gì cũng chẳng thể thuyết phục được người kia.

Nếu người hòa giải nói sai, khi cặp đôi kia làm lành xong, họ sẽ chỉ trích ngay người hòa giải. Tuy nhiên, tôi đã quyết định, và nói với người chồng rằng cậu ta sai rồi, trước sự bất mãn của cậu ta và niềm đắc ý của người vợ. Đó là một phương án rất cơ bản.

Tôi nói với người chồng, “Vì vợ cậu không tập Ki, cho nên cô ấy không biết gì về nhất-điểm nơi bụng dưới, cũng như không thể kiềm chế cơn giận. Nhưng cậu lại khác, cậu đã học Ki. Và nếu không thực sự thực hành điều mình đã học trong đời sống thì cậu sai rồi đấy. Bởi vậy, tôi cho rằng cậu sai. Nếu cậu nhận ra điều đó, cho dù có chuyện gì xảy ra, cho dù vợ cậu nói gì đi nữa, đây chính là lúc để thực hành giữ nhất-điểm. Cậu sẽ không chỉ giữ được bình tĩnh, mà còn phát triển thêm được một bước vượt bậc. Nếu cậu tập luyện giữ nhất-điểm ở võ đường và đánh mất nó khi về tới nhà, vậy thì cậu đã lãng phí công sức của mình rồi. Cho dù nguyên nhân mâu thuẫn là gì đi nữa, cậu có bằng lòng cố gắng thử điều đó từ hôm nay?”. Và cậu ta đã đồng ý.

Sau đó tôi giải thích vài điều với người vợ và dạy cô một số bài tập cơ bản, chỉ cô cách làm chủ nhất-điểm nơi bụng dưới. Tôi nói, “Tôi nhận ra cô không hài lòng với chồng mình về một số điểm. Nhưng như cô thấy đấy, cậu ta sẵn sàng nỗ lực mọi cách để thay đổi cách hành xử của mình. Cậu ấy không đủ kinh nghiệm và có thể sẽ có lúc quên mất, sao cô không thử giúp cậu ấy sửa sai những thói quen xấu của mình?”. Người vợ bằng lòng. Chưa đầy một tháng sau, cặp đôi đã quay lại được một cuộc hôn nhân hoàn toàn hạnh phúc.

Khi một cặp đôi trẻ tuổi đến với nhau vì tình yêu, mọi chuyện lẽ ra phải hết sức tốt đẹp. Nhưng từng nỗi bất mãn nho nhỏ về quan điểm sẽ kéo theo những tiêu cực ngày càng nhiều thêm, làm cho tình hình trầm trọng hơn cho tới khi không thể cứu vãn được.

Người chồng trẻ trở về nhà, dừng lại một chút trước bậc thềm để chắc chắn hơn về nhất-điểm nơi bụng dưới, rồi bước vào nhà gọi vợ đầy vui vẻ: “Anh về rồi đây”.

Trước kia, người chồng về nhà với Ki tiêu cực cùng các suy nghĩ tiêu cực về công việc. Cậu ta nghĩ thầm: “Mình lại phải về nhà để nghe vợ ca cẩm rồi đây”.

Lần này, người vợ nhận ra đây là lúc cần hợp tác, liền bước ra cửa cùng nụ cười và nói “Anh đi làm về rồi đấy à” rồi pha trà cho chồng.

Khi định nói gì đó, cô lại cố gắng kiên nhẫn hơn và đợi, nhưng nếu cô ấy không thể đợi được, cô bèn diễn đạt một cách dễ chịu nhất có thể.

Tâm trạng của người chồng trở nên tốt hơn, cậu cũng luôn nói chuyện nhẹ nhàng với vợ, sẵn sàng giúp vợ việc nhà. Tình yêu của họ ngày một tốt đẹp thêm. Một khi họ cùng nhau thay đổi theo hướng tích cực, họ lại gắn bó như ngày đầu mới cưới.

Sau đó, người vợ cũng bắt đầu tập Ki và thực hành cùng chồng. Thắng hay thua không còn quan trọng trong hôn nhân nữa khi mà hai bên cùng hiểu nhau, và giúp nhau giữ gìn hạnh phúc chung.

Dù đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong cuộc sống thường ngày, nó cũng chỉ ra sự cần thiết luôn ghi nhớ rằng sẽ luôn có cách để tránh xung đột.

Sẽ luôn có cách để cùng chung sống và phát triển. Nếu trong lòng chúng ta có bất đồng, ta sẽ tạo ra kẻ thù thay vì đồng minh.

Nếu ta không nuôi dưỡng bất đồng trong lòng, ta sẽ chẳng có kẻ địch hay đồng minh, vì tất cả chúng ta đều là anh em sinh ra từ Ki của Vũ Trụ.

 

Leave a Reply