Thời gian gần đây, tôi để ý thấy rằng những thông tin xung quanh chúng ta đang có xu hướng rất kỳ lạ.

Mọi người chỉ đơn giản nói rằng: “Hãy làm điều này và bạn sẽ đạt được điều đó,” mà không hề giải thích nguyên nhân vì sao, hay cũng không hề tự xem xét lại cẩn thận rằng: “Thông tin đó thật sự đúng không?”.

Ví dụ, sau khi có ai đó nói “Natto rất tốt cho sức khoẻ” trên TV, Natto lập tức cháy hàng ở tất các siêu thị. Kiểu xu hướng này đang rất phổ biến tại Nhật Bản. Nhưng thực ra, tuỳ vào thể trạng sức khoẻ từng người, có những người không nên ăn natto chút nào. Nhưng có vẻ mọi người không quan tâm đến điều đó lắm.

Điều này cũng tương tự như ý muốn kiếm tìm cho được một chiếc chìa khoá vạn năng, có thể mở được tất cả ổ khoá. Điều này không thể tồn tại trong thế giới thực tế, nhưng mọi người vẫn muốn tin rằng, có thể đâu đó ngoài kia tồn tại một chiếc chìa khoá vạn năng giải quyết được tất cả các vấn đề.

Hãy liên tưởng vấn đề trên với tư thế của chúng ta.

Mỗi người khác nhau lại có một tư thế tự nhiên khác nhau. Không tồn tại một thứ gọi là “tư thế tối thượng”, bởi vì chúng ta khác nhau về hình dáng, về cơ địa, và thể trạng sức khoẻ. Đó là lý do vì sao mà việc có được cảm giác về tư thế tự nhiên là điều rất quan trọng.

Trong Shin-shin Toitsu Aikido [Aikido với trạng thái tâm thân hợp nhất], chúng ta định nghĩa về “tư thế tự nhiên” thông qua 3 đặc điểm:

– Tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.
– Tư thế mà bạn có thể duy trì lâu nhất.
– Tư thế mà bạn vững chãi nhất.

Khi bạn có được cả 3 đặc điểm trên, đó chính là “tư thế tự nhiên” mà chúng tôi muốn truyền đạt.

Nếu đó là “Tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất”, nó sẽ khác với tư thế mà cơ thể bạn bị gồng cứng. Tư thế mà khiến bạn cảm thấy mệt mỏi là tư thế sai.

Nếu đó là “Tư thế bạn có thể duy trì lâu nhất”, bạn sẽ có thể duy trì nó hàng giờ mà không cần gắng sức. Nếu bạn buông lỏng cơ thể một cách uể oải, bạn có thể cảm thấy thư giãn đôi chút, tuy nhiên, bạn cũng không thể tiếp tục giữ tư thế đó bởi vì nó không tự nhiên.

Nếu đó là “Tư thế bạn vững chãi nhất”, thì tư thế đó có sự cân bằng một cách tự nhiên mà chúng ta có thể kiểm tra bằng cách Ki-Test. Nếu bạn không thể giữ được tư thế khi thực hiện Ki-Test, đó là tư thế chưa tự nhiên.

Bằng cách kiểm tra 3 đặc điểm trên, mỗi người đều có thể tìm được cho mình tư thế tự nhiên phù hợp nhất.

Tôi đã có cơ hội hướng dẫn nhiều vận động viên. Tôi thường xuyên nghe được rằng một số huấn luyện viên cố ép học trò của mình đạt được “tư thế tối thượng”, tư thế mà họ tin rằng là chính xác nhất. Nếu tư thế đó may mắn phù hợp với người được hướng dẫn, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích, còn nếu không thì điều đó sẽ khiến phong độ của vận động viên bị sụt giảm.

Trên thực tế thì không dễ để cho các huấn luyện viên đưa ra lời khuyên cụ thể cho từng vận động viên, vì điều đó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đôi khi trong nhiều trường hợp, họ cần phải hướng dẫn nhiều vận động viên một lúc, nên họ sẽ đưa ra một tư thế chung tốt nhất có thể. Và trong trường hợp này, đó chỉ là một ví dụ để tham khảo, không phải là “tư thế tối thượng”. Mỗi vận động viên đều có thể tự tìm ra tư thế tự nhiên của mình, bằng cách nghiên cứu về 3 đặc điểm mà tôi đã giải thích.

Điều này cũng tương tự trong việc luyện tập Ki-Aikido. Ngoài “Tư Thế Tự Nhiên”, thì 3 đặc điểm trên cũng rất hữu ích cho “Chuyển Động Tự Nhiên” và “Hơi Thở Tự Nhiên”. Tôi hy vọng dựa trên 3 đặc điểm này, các bạn sẽ có thể luyện tập trong đời sống hàng ngày một cách tốt nhất.

Nguồn: http://www.shinichitohei.com/english/2017/04/do-not-seek-a-c.html

Dịch: Phạm Đức Dũng

Leave a Reply