12 Tháng Ba, 2009

Hướng dẫn:

Mục đích của bài viết này là để thực hành và áp dụng các nguyên lý về Khí (Tinh thần điều khiển thể xác) vào trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Vì vậy, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn chỉ đọc mà không thực hành những gì mình được học.

Phương pháp cơ bản khi muốn thành thạo điều gì đó chính là thực hành. Tuy nhiên, không chỉ thực hành là quan trọng, chúng ta còn cần đánh giá xem mình có thay đổi gì khi thực hành như vậy.

Chúng ta rất dễ quên mất những gì đã học được nếu không có sự thực hành thường xuyên. Còn nếu bạn thực hành thường xuyên và có thể áp dụng được những gì mình học vào trong cuộc sống hàng ngày thì sẽ khó mà đánh mất được chúng. Vì vậy, hãy đọc, thực hành và áp dụng những nội dung trong bài viết của tôi trong vòng ít nhất một tháng.

—————————————————————————————-

Hãy tưởng tượng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh hay giữa sếp và nhân viên,… Khi nhận được một lời khuyên, chúng ta có thể chấp nhận nếu lời khuyên được nói bởi một người, nhưng lại không thể chấp nhận cũng là lời khuyên đó nhưng được nói bởi một người khác. Bạn đã trải nghiệm tình huống như vậy bao giờ chưa? Hầu hết ai cũng gặp tình trạng này, luôn có một ai đó mà bạn không hề muốn nghe khuyên bảo. Tại sao lại có sự phản ứng khác nhau như vậy khi chúng ta nhận cùng một lời khuyên từ hai người khác nhau?

Khả năng chấp nhận lời khuyên từ một người khác phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa hai người có sự tin tưởng lẫn nhau hay không. Nếu bạn có một mối quan hệ tin cậy, ngay cả nếu bạn nhận một lời khuyên có phần nghiêm khắc, bạn vẫn có thể chấp nhận. Vì vậy người đưa ra lời khuyên cần kiểm tra lại xem mình đã xây dựng được niềm tin với người nhận lời khuyên hay chưa. Điều này quan trọng hơn nhiều việc chỉ đơn giản là quan tâm đến cách thức đưa ra lời khuyên.

Một trong những người quen của tôi là một anh chàng luôn có ý tốt. Anh ấy rất tự nhiên chia sẻ bất cứ điều gì anh ấy cho là quan trọng với người đối diện, thậm chí những điều anh nói không phải chủ đề ưa thích của người đó. Ngày nay rất hiếm gặp những người như anh ấy. Tuy nhiên, vấn đề là anh ấy lại hay thay đổi thái độ của mình tùy theo cảm xúc, và anh ấy không thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Và khi thấy sự thất thường trong tâm trạng của anh ấy như vậy, người khác không thể tin tưởng anh ấy được. Chính vì thế, mỗi khi anh ấy đưa ra lời khuyên nào đó thì chẳng có ai muốn nghe cả. Khi đó anh ấy rất bất mãn vì không ai chịu chấp nhận những lời khuyên “tốt lành” của anh ấy. Tình trạng này như một vòng luẩn quẩn và chẳng mang lại lợi ích gì cả.

Điểm mấu chốt ở đây là “người đưa ra lời khuyên” chứ không phải là “lời khuyên”. Nếu hai người có sự tin tưởng lẫn nhau, lời khuyên sẽ có hiệu quả. Trong nhiều cuốn sách nổi tiếng chuyên về chủ đề “làm thế nào”, họ thường đưa ra lời khuyên về kỹ năng giao tiếp như “Sẽ tốt hơn nếu cư xử với nhân vân cấp dưới theo cách…”. Tuy nhiên, những kỹ năng này chỉ thực sự có hiệu quả nếu giữa hai bên có một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Chả ai muốn lắng nghe từ một người không đáng tin kể cả người đó có kỹ năng giao tiếp xuất sắc thế nào đi chăng nữa.

Khi tôi đưa ra lời khuyên với ai, tôi rất cẩn trọng kiểm tra lại tôi với họ có sự tin tưởng lẫn nhau hay không. Nếu có, tôi sẽ thẳng thắn đưa ra lời khuyên dù nó có nghiêm khắc thế nào. Còn nếu giữa tôi với họ chưa thực sự thân thiết hay có sự tin tưởng lẫn nhau, tôi sẽ chờ đến khi xây dựng đươc sự tin cậy giữa hai người, hoặc sẽ nhờ ai đó có mối quan hệ thân thiết với họ để truyền đạt điều tôi muốn nói. Bằng cách như vậy, họ sẽ chấp nhận được lời khuyên của tôi.

Khi tôi hướng dẫn tại seminar, kể cả khi những gì tôi hướng dẫn là những điều quan trọng, tôi vẫn luôn hết sức chú ý trong việc xây dựng sự tin tưởng từ những hành động, cử chỉ và từ ngữ của mình. Nếu chúng tôi có thể xây dựng một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau thì những gì tôi hướng dẫn sẽ được học viên thấu hiểu một cách tốt nhất. Còn nếu không hề có sự tin tưởng thì ngược lại, những điều tôi muốn truyền đạt sẽ không thể được tiếp nhận. Vì vậy, điều quan trọng nhất của một người hướng dẫn là cần trở thành một người đáng tin cậy. Trước khi xem xét “điều sẽ hướng dẫn”, chúng ta cần xem xét chính “người hướng dẫn”.

Trong nhiều trường hợp, ấn tượng ban đầu là một yếu tố vô cùng quan trọng cho sự tin tưởng lẫn nhau. Hoặc ngày qua ngày, chúng ta có thể xây dựng niềm tin từ những cố gắng rất nhỏ.

Về cơ bản. trong mọi việc thì bạn chỉ nên thực hiện điều mình muốn sau khi đã xây dựng được một mối quan hệ tin cậy. Trong trường hợp của người bán hàng, trước khi suy nghĩ xem cần bán hàng thế nào thì điều quan trọng là cần xem xét cách xây dựng mối quan hệ tin tưởng với khách hàng của mình. Còn đối với người hướng dẫn, trước khi xem xét việc hướng dẫn thế nào thì cần chú ý đến việc xây dựng niềm tin với học viên.

Ngoài lề một chút, tôi từng có một học viên nam mà rất thu hút các cô gái. Nhưng thực sự thì anh ta cũng không đẹp trai hay có vẻ ngoài quyến rũ gì cả. Lúc đó tôi vẫn còn độc thân và tôi có hỏi anh ta là bí quyết nào để có thể thu hút được các cô gái như vậy. Anh ta trả lời rằng, “tôi chỉ đơn giản áp dụng những gì anh (Shinichi sensei) hướng dẫn tôi,” và tôi chỉ biết phá lên cười.
——————————————————————————————
Hãy thực hành những điều sau trong vòng 1 tháng:

[Thực hành]

– Trước khi đưa ra lời khuyên cho ai đó, hãy xem xét lại mối quan hệ của bạn với người đó.
– Chỉ đưa ra sự hướng dẫn hay lời khuyên sau khi đã xây dựng một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, hoặc đưa lời chuyên cho người có mối quan hệ tin cậy với người mình muốn hướng dẫn.

[Xem xét kết quả]

– Quan sát người bạn của mình tiếp nhận lời khuyên của mình thế nào sau khi đã thực hành những điều trên.

Nguồn: http://www.shinichitohei.com/english/2009/03/a-short-instr-1.html

Dịch: Phạm Đức Dũng

Hiệu đính: Jason Nguyen

Leave a Reply