Bài viết: “Ki – Người Hùng hay Tội Đồ”
Một cơ hội tuyệt vời để tôi chia sẽ vài điều ấm ức từ khi đi tập đến nay và cũng tranh thủ hy vọng kiếm giải thưởng hấp dẫn.
Tại sao Ki-Aikido?
Sau khi bạn tôi tìm hiểu, nghiên cứu rất nghiêm túc, tôi được thông báo: “Tôi nên chọn một trong hai môn để tập: Một là Akido và môn thứ hai hình như Thái cực quyền?”
Sau khi nghe bạn tôi thuyết trình, phân tích chi tiết rất lâu và tự bản thân nghiên cứu rất ít … tôi quyết định chọn Aikido vì một lý do rất lãng xoẹt nhưng thực tế: Chỗ tập rất gần nhà, chỉ cần đi bộ.
Khi biết chuyện, rất nhiều bạn bè, người quen, thân hữu lên án tôi là ngu, là dại, đi làm vật thí nghiệm cho bạn tôi. Nhưng đã quen như bao lần khác, tôi không nghĩ vậy và đã bất chấp dư luận, phần lớn là dư luận tiêu cực.
Nói là làm, trước tết tôi dành thời gian đến thăm một buổi tập của Sensei Thao. Sau 15′ có điện thoại, tôi ra ngoài nói chuyện và đi về luôn làm Sensei Thao tưởng tôi sẽ bỏ đi, không bao giờ quay lại.
Đúng tuần đầu tiên sau tết, tôi quay lại đăng ký, trả tiền, lấy võ phục và bước vào tập ngay buổi đầu tiên. Thay việc tập thử một buổi, tôi nói với Sensei Quang Anh: “Không thử, chỉ tập thật luôn rồi tính tiếp!”
Câu chuyện tôi đi tập Aikido nghe cũng “vô lý” như bao nhiêu khám phá “vô lý” khác từ Aikido.
Tôi đi tập (học) Aikido là kết quả của một cuộc nghiên cứu dài, nghiêm túc về tất cả các cơ hội tập thể thao, võ thuật v.v. hiện đang có ở Hà Nội…. do một người bạn thực hiện.
Sau thời gian dài. rất dài sao nhãng thể thao vì đủ lý do khác nhau, tôi quyết định tìm quay lại với thể thao. Bạn tôi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, đã từng học tại Thái Lan và Đức nên làm việc gì đều rất … nghiêm túc và bài bản. Loại trừ xong tất cả các môn ngành tốn sức, như tennis, bóng đá … hay những môn tốn tiền như golf, bạn tôi bắt tay vào nghiên cứu chi tiết các môn võ đang có ở Hà Nội để giúp tôi.
Tôi tin bạn tôi. Trước hêt, tôi tin từ chính kinh nghiệm của bạn mà tôi chứng kiến. Cậu ấy đã tự vượt lên chính bản thân mình và có được sức khỏe như ngày nay từ tình trạng rất bi đát. Một “đại gia” đã phải trả giá là sức khỏe bị tàn phá hoàn toàn để có hàng chục (trăm) tỉ trong tay (nay đã mất gần hết). Cách đây 3-4 năm, mỗi khi nói chuyện với tôi, cậu bạn hai tay run bật bật, khuôn mặt bị co giật liên tục không thể kiểm soát được. Ngày nay sau hơn 3-4 năm tập luyện, tập thiền, thay đổi cách sống và chăm sóc bản thân cậu ấy đã trở lại gần như bình thường với lối sống lành mạnh, lạc quan.
Thứ hai, tôi tin vào sự nghiêm túc của bạn tôi trong bất kỳ công việc, dù lớn hay nhỏ như việc tìm hiểu các cơ hội tập luyện sức khỏe. Nhiều người sẽ làm rất hời hợt, cho qua chuyện nhưng bạn tôi thì không. Cậu ta đã phân tích rất kỹ tính cách, nhu cầu … của tôi và tìm hiểu tất cả những gì đang có ở Hà Nội để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.
Từ đó đến nay đã hơn 4 tháng, tôi có thể khẳng định, nghiên cứu và đề nghị của bạn tôi cho tôi là tuyệt vời, là lựa chọn tốt nhất, rất phù hợp với tôi. Và hơn thế Aikido (có “Ki”) cũng là môn thể thao đã giúp tôi học được vô số điều “vô lý” về hoạt động của cơ thể con người, về bản thân, rất nhiều điều “vô lý” khác về lối sống và các nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình.
Được gì?
Tôi được rất nhiều chỉ trong 4 tháng.
Trước hết đó là sự cố gắng, vượt qua bản thân. Nghe thấy rất bình thường, vượt quan bản thân nghe đơn giản nhưng thật là khó, với tôi chỉ là chuyện đầu tiên: Đi tập, đến được sàn tập?
Bất kỳ môn thể thao nào cũng sẽ đem lại cho các bạn thử thách “vượt qua bản thân” như vậy. Chuyện đi đến sàn tập là cả một thử thách vô cùng lớn với muôn vàn cản trở rất “vô hình”.
Chưa bàn tới dư luận, lời qua tiếng lại của người thân, bạn bè ngay con đường đến được nơi tập cũng là một thử thách riêng mỗi lần. Mùa đông gió rét cũng đáng ngại, nhưng không bằng những cám dỗ mùa hè, những ngày đẹp trời.
Để đến được sàn tập, tôi phải vượt qua rất nhiều sự hấp dẫn trước đó và trên đường sau đó. Dọc đường không tới 10′ đến sàn tập có rất nhiều quán ăn vui vẻ, vô số các quán chè, sinh tố, cà phê … và ít nhất 3-4 quán bia. Chưa hết, không khác gì tinh thần “bài bạc” của Las Vegas (ngay khi ra sân bay các bạn cũng không thoát khỏi sự lôi kéo của các máy đánh bạc), khi vào tới bãi đỗ xe, chuẩn bị lên tầng vào sàn tập vẫn còn qua quán bia cuối cùng với rất nhiều khuôn mặt vui vẻ bên cạnh các món đồ nhậu hấp dẫn. Ngoài ra còn là những giây phút “mệt mỏi” tình thần không hiểu tại sao cùng biết bao lý do “hợp lý” khác để không nên, không cần đi tập.
Có những hôm tôi vừa đi với cảm giác mệt mỏi, vừa muốn quay đầu về vì nghĩ mình rất mệt hay đang ốm. Nhưng đến nơi tập, đổ mồi hôi xong về thấy mình bình thường, khỏe và thoải mái hơn. Như vậy, sức khỏe, thể lực không làm sao cả chỉ là mệt mỏi về tinh thần. Tất cả chỉ là đầu mình nghĩ gì, muốn gì !
Nhưng nhờ có “Ki” (mà tôi vẫn chưa biết là gì) tôi vẫn đến được sàn tập khá đều đặn dù chỉ có một tháng duy nhất đi đủ số buổi tập đã đăng ký.
Sau đó là sự thay đổi trong cách sống hàng ngày. Thể thao nói chung buộc bạn phải thay đổi cho phù hợp. Bạn không thể nào vui vẻ liên hoan đến sáng để rồi chiều hôm sau lên sân đá bóng. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tức giận với bản thân vì không đủ sức và làm ảnh hưởng đến đồng đội cùng chơi.
Bạn bắt buộc phải lựa chọn giữa những buổi “giao lưu công việc” bia rượu buổi trưa hay đi tập buổi chiều. Tiếp theo là chuyện ăn uống giờ giấc phù hợp. Rất nhiêu lần khác bạn phải quyết định chọn giữa hoạt động xã hội, bạn bè v.v. (thường vào buổi tối) và tập luyện cho bản thân. Nói chung, luôn là những cân nhắc, lựa chọn và quyết định mỗi ngày. Tôi rất mừng, tuy phải từ chối rất nhiều lời mời chân tình của bạn bè, mất đi một số ít bạn bè, người quen, bỏ lỡ ít nhiều một số cơ hội khác nhau nhưng bản thân đã biết “ích kỷ” hơn khi quyết định dành thời gian cho chính mình.
Không chỉ vượt qua được bản thân mỗi ngày, tôi còn thu được rất nhiều điều “vô lý” từ các bài tập, bài học và hướng dẫn từ các buổi tập. “Cứ như đùa”,”Thật vô lý”v.v. là những điều không chỉ tôi mà nhiều bạn tập đã từng thốt ra trong các buổi tập. Những “sự vô lý” đó đã giúp tôi thay đổi ít nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Là người hiền nhưng tôi trở nên hiền hơn, cảm thông hơn đối với mọi người, độ lượng hơn với nhiều chuyện. Ra ngoài đường, tôi bình thản hơn, ít bực mình khi thấy nhiểu chuyện khó hiểu, vô lý vì nghĩ rằng mọi thứ đều có lý do của nó. Và những bài học khó hiểu và trừu tượng về Ki cũng giúp ích tôi ít nhiều trong cuộc sống.
Gần đây nhất là khi đi trên đường Đại La, áp dụng nguyên tắc “Extend Ki” khi quan sát rộng ra phía trước, tôi đã không bon chen lên cùng đám đông phía trước và tránh không bị cả cửa cuốn của một cửa hàng bên đường do nhóm công nhân đang tháo ra không bảo hiểm cẩn thận và rơi thẳng vào đám đông tranh nhau vượt lên phía trước. Hay chỉ mấy phút sau đó, áp dụng nguyên tắc “quan sát rộng” tôi đã hãm phanh xe kịp để tránh không đâm vào một bác đang phóng xe máy vượt đèn đỏ ngay trước mặt tại ngã tư Đại La- Giải Phóng. Thật không may cho anh bạn đi bên cạnh chắc không biết mấy nguyên tắc đó hay không có “Ki” nên dù đã đạp phanh vẫn đâm thẳng vào bác đó.
Không có gì hoàn hảo cả, không phải nguyên lý nào của “Ki Aikido” cũng áp dụng và nên áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Aikido là không đối kháng và cố gắng dẫn theo hướng của bạn tập. Nhưng tôi không thể, và sẽ không thể áp dụng nguyên tắc này vào việc vượt đèn đỏ “bình thường” của nhiều người.
Giống như chuyện nhiều người tìm mọi cách leo lên vỉa hè tôi cũng sẽ quyết tâm không theo hướng và cũng không dẫn mọi người theo hướng đó. Hình như quá nhiều người không có “Ki”!
“Ki” muôn năm!
Mặc dù đã được nhiều thầy, nhiều bạn và nhiều người giải thích về “Ki” nhưng tôi thật sự vẫn chưa hiểu và sẽ còn rất lâu (có thể không bao giờ) hiểu “Ki” là gì?
“Em hôm nay không có “Ki” nên không làm được”, một bạn tập đã nói với tôi như vậy khi chúng tôi không thể thực hiện được phần tập hôm đó. Tôi nghi ngờ và bảo: “Chắc là làm gì đó không đúng nên không được!”. Chúng tôi nhờ Sensei hướng dẫn và sau đó đã làm được.
Như vậy, “Ki” là một tội đồ hay là người hùng tuyệt vời, người bạn tốt nhất chúng ta có thể đổ lỗi cho mỗi khi không làm được điều gì!
Khi khác khi thấy những chuyện rất vô lý trên đường phố, thay vì nóng giận và bực mình, tôi cảm thông và lắc đầu: “Chắc mọi người không có “Ki” nên vậy!”
Rồi nhiều khi làm được những phần tập tốt bất ngờ mà không hiểu tại sao, tôi cũng tự giải thích “tại hôm nay mình có Ki!”.
“Ki” là Tiên, là Phật và Thánh thần, là Cứu tinh tuyệt vời chúng ta có thể đổ lỗi mỗi khi không làm được gì hoặc để cám ơn, giải thích khi làm được những việc phi thường mà không hiểu tại sao.
Hình như không phải chỉ riêng Aikido mới có “Ki”. Một người bạn tôi suýt bị xe ô-tô đâm, cậu ấy cuộn tròn người ngã xuống dốc. Chiếc xe máy nát bét nhưng cậu sau đó đứng dậy hoàn toàn không sao trước sự sợ hãi nhưng bất ngờ của anh lái xe. Cậu ta không biết Aikido, nhưng tập Kungfu nhiều năm. Chắc bên Kungfu cũng có “Ki” của họ.
Trong bóng đá hình như cũng có “Ki”. Rõ ràng, hôm nay Argentina và Bồ Đào Nha đá không có “Ki” nên đã phải mang những siêu sao của mình chia tay World Cup và ra về.
“Ki là gì? Làm sao có Ki?”, mỗi người sẽ phải tự tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.
Nhưng CLB Ki-Aikido Hà Nội sẽ rất thành công, sẽ phát triển rất mạnh vì không chỉ là một gia đình với những Sensei giỏi, đầy nhiệt huyết mà còn mang trong mình một biểu tượng rất nhiều người đang “ngầm” tìm kiếm: “Ki”. Một thứ tưởng như rất rõ ràng nhưng lại rất huyền bí. Một thứ nghe rất có lý mà chẳng biết tìm ở đâu!
“Ki Aikido” muôn năm !
Cám ơn bạn tôi !
Cám ơn “Ki Aikido” Hà Nội !
Lê Thanh Nam, 1/7/2018