Đầu tiên, nói cho ngay thì mình không phải con nhà võ. Bố mình chả biết võ luôn, mặc dù ổng thích chơi thể thao như điên và truyền cái gen đấy cho hai thằng con trai nhưng chưa bao giờ mình quá thích võ thuật cả, ít nhất là trong tuổi thơ đi học cho tới lúc lớn tướng. Từ bé đến lớn, bóng đá bóng bàn bóng rổ bóng chuyền, môn gì mình cũng chơi, tuy cũng chẳng khá khẩm nhưng cũng gọi là có nhanh nhẹn hơn người thường một chút. Hồi bé cũng đi tập võ mấy năm, kiểu võ Thiếu Lâm sao đó, được mấy năm rồi vào cấp hai thì nghỉ, giờ cũng chỉ nhớ lõm bõm mấy cái hồi đấy tập thôi. Bây giờ đôi lúc nhớ lại, mình vẫn tủm tỉm cười, chắc một phần do từng trót mê võ vẽ nên giờ Tenchi lại cho bén duyên, chạy trời không khỏi nắng.
Cơ mà để mà đi tập được Aikido thì không phải tự dưng nhớ ra thì đi đâu. Cái này thì chắc là có ảnh hưởng lớn từ việc mê văn hoá Nhật Bản quá, tại sống với nó lâu quá rồi. Thời trẻ con thì ai cũng đọc manga với xem anime mà, mình cũng như vậy luôn. Lớn lên vào đại học thì có cơ hội học chút tiếng Nhật, từ đấy mới chính thức tìm hiểu sâu về văn hoá Nhật Bản. Mình có một cái tính, đấy là nếu nhỡ thích một cái gì là phải tìm hiểu ngọn ngành về nó. Thế là mấy năm ròng đi học, mình đọc cả rổ sách, xong nhiễm văn hoá đến độ chủ động cúi chào, ăn nói, ứng xử như ông Nhật con luôn (cái này bạn nào tập cùng mình để ý là thấy haha, giờ chắc đỡ đi một tẹo).
Đến một ngày, mình bắt đầu mò lên đọc truyện kiếm hiệp với xem jidai-geki, từ đó chắc là bắt đầu tìm hiểu lại về võ thuật. Sau đấy, mình tìm được một fanpage về Aikido của người Việt viết và dịch, thấy hay hay, thế là bắt đầu đọc.
Trong số mấy bài viết trên đó, mình đọc được mấy bài về thầy Koichi Tohei, người có vẻ được đánh giá rất cao về Aikido. Mình cũng nghi ngờ, ừ nghe cũng hay, cơ mà không biết thế nào nhỉ. Xong thấy thầy có hệ phái riêng, Ki-Aikido à, thử search xem có ai tập ở Việt Nam không nhỉ. Ồ có này, câu lạc bộ ở Hà Nội luôn. Chợt nghĩ, à hay là thử đi tập trải nghiệm xem sao, đằng nào cũng đang thời không thể dục thể thao gì (các bạn thông cảm, lý do đi tập của mình nó đơn giản thế thôi). Tuy vậy, cũng bẵng đi một thời gian vì tiền bạc chưa đủ ổn, vài tháng sau mình bắt đầu có công việc ổn định và có lương, lúc đấy mới bắt đầu đăng kí đi tập.
Nghe qua thì thấy xàm xàm vậy thôi, nhưng thực sự với câu lạc bộ và môn võ, có những lý do đặc biệt, nó khiến cho mình vẫn duy trì tập luyện với mọi người cho tới bây giờ. Một trong những lý do giữ mình lại được với môn võ Ki-Aikido cho tới bây giờ là cách nó quan tâm tới những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Ngay buổi đầu tiên, Thao sensei đã chỉ cho cách đứng đúng, cách đi đúng, rồi sau này thì tập thở, tập nhìn thẳng, giữ nhất điểm, thả lỏng toàn thân. Toàn những cái nhỏ nhất, có thể nói là cơ bản nhất của mỗi người. Thường thì ai cũng nghĩ võ là phải mạnh, phải hoành tráng, mình cũng từng nghĩ thế. Sau này, tập luyện rồi, trải nghiệm rồi, mình thấy việc quan tâm đến những điều ấy là chính xác. Không dám nói sâu sắc về mặt võ học, mình thấy nó đúng ngay cả trong đời sống thường ngày.
Tư thế đứng đúng giúp cho tư thế tự nhiên hơn, đỡ đau mỏi lưng. Công việc của mình phải ngồi làm việc trước máy tính nhiều, có thời gian mình triền miên đau lưng. Sau này, tập tư thế đứng đúng, để xuôi vai, xếp cột sống chồng lên nhau, lưng mình nhẹ nhàng hẳn và ít khi đau mỏi trở lại. Tư thế đứng đúng còn giúp mở vai và đưa xương ngực về phía trước, giúp cho dáng người được tự tin hơn, nôm na là có thần thái hơn (haha).
Tập bước đi đúng giúp cho mình di chuyển nhẹ nhàng hơn, mau lẹ và ổn định hơn. Trước đây, mình bị chê nhiều là bước chân lịch phịch, nặng nề. Mẹ mình cũng nhắc suốt, nhưng mình nghĩ khi tập luyện tại võ đường, mình mới hiểu tại sao cần như vậy. Di chuyển bằng đầu mũi chân giúp thân pháp ổn định hơn, người được tĩnh hơn và vững vàng trước đòn thế. Bước chân bên ngoài cuộc sống cũng vậy, một bước chân nhẹ nhàng góp phần giúp cho cơ thể bạn không quá xô lệch, từ đó giúp cho tâm trí ổn định để tập trung vào nhận thức. Một điều vui vui là từ lúc tập tới giờ, mình trở nên nhạy cảm với những bạn đi bằng gót hoặc thả bàn chân phịch phịch, tới mức nghe qua là biết luôn.
Nhìn thẳng giúp bao quát toàn thể của đối thủ, giúp cho mình phản ứng tốt hơn khi đón nhận / ra đòn. Cái này không chỉ ở trong võ đường, mà trong cuộc sống cũng thế. Quan sát toàn thể sự vật, sự việc giúp cho bạn dễ nắm bắt được nó hơn, từ đó dễ dàng đưa ra cách giải quyết đúng đắn cho từng thứ một. Lúc viết bài này, mình hơi bị rối do có nhiều thứ để nói ra quá, nên cách giải quyết của mình là bật phần mềm thu âm trong điện thoại lên và lảm nhảm tất cả mọi ý muốn nói vào trong đấy, rồi bật lại và chọn ra những ý hay ho để ngồi viết. Tới đoạn này là dễ dàng hơn nhiều rồi, mình còn chẳng nghĩ sẽ viết dài được như thế.
Giữ nhất điểm và thả lỏng toàn thân thì là những điểm vừa dễ mà cũng vừa khó với mình. Dễ ở việc có thể đạt được một lần, nhưng khó ở chỗ là hiểu được để lặp lại. Song, mình có thể áp dụng đơn giản nó vào việc suy nghĩ một cách nhẹ nhàng và ổn định, không bị “bốc hoả lên đầu” dễ dàng như trước. Nhờ việc luyện tập thả lỏng dây thần kinh ra, và tập trung vào vùng đan điền và nhất điểm, bây giờ mình cảm thấy thoải mái hơn nhiều trong suy nghĩ và tâm trí so với lúc trước khi đi tập nhiều.
Còn nhiều thứ để nói lắm, nhưng vì chưa đủ hiểu sâu nên mình không dám bàn tới nhiều. Song, ít nhất đối với mình, từ những cái nhỏ nhặt, cơ bản như thế, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mọi điều mong muốn trong cuộc sống. Ai chú ý tới việc hoàn thiện những tiểu tiết, người đó sẽ tiến rất xa.