Day 02: giọt cafe

Trên dojo thấy mọi người hay dùng từ “có ki”/”mất ki”. Thực ra mình chưa hiểu rõ nghĩa lắm, nhưng có cảm giác nó gần nghĩa với “niệm” (có ý thức về việc đang xảy ra) trong thiền quán. Tôi biết tôi đang thở, đang đi, đang xoay tekkan, đang gấp quần áo tập, đang chào dojo, sensei hay các bạn tập, hay đang thực hiện một việc gì đó một cách có ý thức. Khi đó mỗi động tác sẽ chất lượng, và cảm thấy thú vị như nhâm nhi một tách cafe.

Người uống cafe sẽ ko cảm nhận đc vị ngọt (trong vị đắng) của cafe, nếu người ta uống trong sự vắng mặt của ý thức (mất ki): uống ực cái để đi làm, hay vừa lướt fb vừa uống. Có lẽ đó là cách uống ưa thích của nhiều người giới trẻ. Họ ưa thích những thứ cafe take away, hoặc những loại cafe ngọt lịm pha vào cốc to đùng, uống xong no luôn, ko cần ăn, khi pha trộn cả đống bột ngô, sữa và các loại gia vị khác vào, có thể họ nghĩ rằng nếu chỉ có cafe nguyên chất thì có gì mà thú vị (?!)

Có 1 dạo mình nghỉ làm ra mở quán cafe, đợt đó mới tập tành pha phin và uống thử cafe. Công đoạn chuẩn bị phin, nước nóng, ép cafe, ngồi đợi từng giọt chiết ra trong 10 phút, chỉ để có lưng tách con con. Nhâm nhi từng ngụm trong cái tách con con đó, mới thấy quý và bình yên lắm, mới thấy khoảng thời gian mình cầu kỳ chuẩn bị, rồi uống, nó giá trị, chứ ko phải lãng phí 20ph cuộc đời. Hồi mới bắt đầu, mình uống với nhiều sữa, sau ít dần, rồi chuyển sang đường, tới giờ thì có thể uống được đen đặc mà vẫn cảm thấy vị ngọt. (nhiều lúc tự hỏi mình uống đc cafe đen là do cuộc sống này xô đẩy, cảm thấy thân quen với cái đắng hơn là cái ngọt, hay là mình cảm nhận được vị ngọt trong cái đắng thật? Mình ko có câu trả lời chính xác)

Quay lại chuyện ki. Nếu hiểu “có ki” là “niệm”, thì “mất ki” là “thất niệm”. Cái điều đó thì xảy ra 24h trong ngày, 7 ngày trong tuần, và mấy chục năm suốt cả đời người:
– đọc 1 cuốn sách, đọc qua 2,3 trang mớ sực nhớ ra ko biết mình đã đọc cái gì mấy trang trước => mất ki.
– gấp 1 bộ quần áo tập, nhăm nhăm gấp để đút vào balo, đi về nhanh, khi đút vào thì quần áo xổ ra như chưa gấp bao giờ => mất ki.
– vd của Quang Anh sensei: đưa tập tài liệu cho sếp, đưa trớt quớt cho xong, sau ko nhớ là đã đưa cho sếp hay chưa => mất ki.
– đánh 1 đòn, chưa xoay đủ 180 độ tekkan mà chỉ chực vung tay, bẻ, đẩy uke => mất ki.
– nói chuyện với người khác, đầu cúi gằm vào cái smartphone => mất ki
– đi xe máy nghĩ vẩn vơ => mất ki
– vừa ăn cơm vừa xem tivi, thức ăn mẹ dầy công chuẩn bị thì mình và nhanh trong vòng 10 phút => mất ki
– hôm trước đi ăn phở với Thao-san, cô bán phở mải xem phim “cô dâu 8 tuổi”. Gọi 2 cốc trà đá thì cô đưa 1, gọi đĩa quẩy thì cô cứ ừ ừ, rồi quên và ko đưa quẩy ra => mất ki
– một ý hí hửng nổi lên, một sự tức giận bốc lên, một sự chán chường đè xuống, một sự mê đắm xoáy sâu vào => mất ki

Và còn hàng triệu những hành động khác mất ki liên tục trong suốt cuộc đời.

Có lẽ, điều may mắn của 1 người là anh ta được tiếp xúc với 1 thứ võ đạo như ki-aikido sớm. Anh ta có thể nhận ra những điều như sự lên xuống của thời thế, thăng trầm của cuộc sống, xã hội…chỉ là những thứ ngoại sinh bên ngoài. Nó có lên, có xuống, nhưng cái ki bên trong mình vẫn giữ vững, thì vẫn thấy bình yên ngay cả trong sóng to, gió lớn. Anh ta nhận ra rằng chẳng ai có thể làm anh ta đau khổ, mà chỉ do hỉ, nộ, ái, ố của anh ta, kéo theo cái thân xác mòn mỏi của anh ta chạy theo hết đời, để phục vụ tâm tham lam đó, khiến anh ta phải khổ. Anh ta bắt đầu dừng lại, và anh ta bắt đầu thấy bình yên.

Thế rồi, dù có tập đến 10 dan ở dojo, hay lên núi tìm chân sư để tu thành tiên, hay làm bất kỳ điều gì trên đời này, cũng chỉ để cảm thấy bình yên khi nhìn từng giọt cafe rơi.

Tác giả: Hiệp Vũ

Leave a Reply