1. Luyện tập Ki-Aikido đưa ta đến với con đường hợp nhất với Vũ Trụ. Dung hoà thể xác và tinh thần để trở thành một với Tự Nhiên là mục đích chính của việc luyện tập Ki-Aikido.

2. Tự Nhiên vốn yêu thương và bảo vệ muôn loài, đồng thời trưởng dưỡng mọi vật, cho nên ta cũng cần hướng dẫn mọi người với tấm lòng chân thành, công bằng và không phân biệt.

3. Sự phân tranh không tồn tại trong phạm vi chân lý tuyệt đối của Vũ Trụ, nó chỉ tồn tại trong phạm vi chân lý tương đối mà thôi. Chiến thắng đến từ sự tranh đấu với người khác chỉ mang tính tương đối và nhất thời. Không giao tranh mà vẫn chiến thắng, đó mới là chiến thắng mang tính tuyệt đối. Nếu chỉ nhắm tới sự thắng lợi tương đối, thì sớm muộn chúng ta cũng thất bại. Trên con đường rèn luyện để trở nên mạnh mẽ, hãy học cách tránh sự phân tranh. Hãy tận hưởng niềm vui trong vai trò quăng ném đối phương, cũng như trong vai trò bị đối phương quăng ném, việc giúp đỡ nhau để hoàn thiện bản thân sẽ khiến bạn tiến bộ một cách nhanh chóng.

4. Đừng chỉ trích bất cứ trường phái võ thuật nào hoặc nói xấu người khác, nếu không muốn chuyện đó xảy ra với bạn. Ngọn núi không cười nhạo dòng sông bởi chúng thấp hơn mình, cùng như sông chẳng khi nào chế giễu núi bởi chúng không thể dịch chuyển.

5. Hãy luôn lịch thiệp, không những chỉ trong hình thức bên ngoài, mà còn ở sâu trong tinh thần của ta nữa. Hãy quý trọng và biết ơn người thầy đã dạy bạn, và nhất là đừng bao giờ quên tri ân đến người đã khai mở ra con đường hoà hợp này. Những ai quên mất điều đó thì đừng bất ngờ khi bị học trò của mình xem nhẹ.

6. Hãy cảnh giác với sự kiêu ngạo. Kiêu ngạo chẳng những cản trở sự tiến bộ, mà còn khiến bạn thụt lùi. Tự nhiên thì vô biên, và những nguyên lý của Tự Nhiên thì uyên thâm. Kiêu ngạo từ đâu mà đến ? Nó đến từ một tư tưởng nông cạn, và sự thỏa hiệp rẻ tiền với những ảo tưởng của chúng ta.

7. Hãy nuôi dưỡng một tâm trí tĩnh tại, từ việc nhận thức Vũ Trụ và chúng ta vốn không phải hai thực thể riêng biệt, bằng cách an trụ tư tưởng bạn vào nhất-điểm nơi bụng dưới. Bạn phải biết rằng, việc có một tâm trí hẹp hòi là điều đáng hổ thẹn. Ðừng tranh luận với người khác chỉ để bảo vệ những quan điểm của mình. Đúng là đúng. Sai là sai. Hãy bình tĩnh xét xem cái nào đúng, cái nào sai. Nếu mình là người sai, thì hãy can đảm nhận lỗi và sửa đổi. Khi nhận được sự chỉ bảo từ những người đi trước, hãy vui vẻ lắng nghe và tiếp nhận. Nếu người nào mắc lỗi, thì hãy nhẹ nhàng giải thích cho họ về những điều đúng đắn, và cố gắng làm cho họ thấu hiểu điều đó.

8. Ngay đến một con sâu dài một phân cũng có nửa phân tinh thần. Ai cũng có sự tự tôn của riêng mình. Vì thế, đừng coi thường người khác và động chạm đến lòng tự trọng của họ. Hãy tôn trọng người khác, và người khác sẽ tôn trọng bạn. Nếu bạn khinh thường họ, thì họ cũng sẽ khinh thường lại bạn. Hãy tôn trọng cá tính của mỗi người, và lắng nghe người khác, khi đó bạn mới có thể dẫn dắt mọi người.

9. Đừng giận dữ. Nếu bạn tức giận, chứng tỏ tâm trí bạn đã không còn an trụ tại nhất-điểm nơi bụng dưới nữa. Trên con đường luyện tập Ki-Aikido, sự giận dữ được coi là một điều đáng hổ thẹn. Chớ nên tức giận vì những chuyện riêng tư của bản thân. Hãy tức giận khi tự nhiên hay quê hương của bạn bị xâm phạm. Hãy an trụ tinh thần vào nhất-điểm nơi bụng dưới, và hãy tức giận một cách toàn tâm toàn ý. Bạn cũng nên nhớ rằng ai dễ tức giận thường thiếu can đảm trong những giây phút hệ trọng.

10. Ðừng quan tâm đến công lao khi bạn hướng dẫn mọi người. Khi người học trò tiến bộ thì chính bạn cũng trở nên tiến bộ. Khi hướng dẫn mọi người, hãy kiên nhẫn. Chẳng ai có thể thấu suốt mọi thứ sau một lần hướng dẫn. Kiên trì là đức tính quan trọng trong việc hướng dẫn mọi người, ngoài ra chúng ta còn cần đến sự nhẫn nại, lòng tốt và khả năng đặt mình vào vị trí của học trò.

11. Khi trở thành người hướng dẫn, bạn đừng kiêu ngạo. Kiến thức của người học trò sẽ ngày một tăng trưởng nếu nghe theo lời dạy từ người thầy hướng dẫn. Có một điểm đặc biệt trên con đường rèn luyện Ki-Aikido, chính là người thầy sẽ tiến bộ thông qua việc hướng dẫn học trò của mình. Để việc hướng dẫn được hiệu quả, người thầy và học trò cần có một sự tôn trọng lẫn nhau. Sự kiêu ngạo chỉ cho thấy một tư tưởng nông cạn và hẹp hòi.

12. Trong khi tập luyện, chớ nên phô trương sức mạnh của mình mà không có một dụng ý tốt lành, nhằm tránh phát sinh sự kháng cự trong tinh thần những người đang quan sát bạn. Ðừng tranh luận về sức mạnh, mà hãy hướng dẫn con đường đúng đắn. Chỉ ngôn từ đơn thuần sẽ chẳng bao giờ mang đến sự thấu hiểu. Ðôi khi đóng vai người bị quật ngã, bạn lại có thể hướng dẫn một cách hiệu quả hơn. Đừng ngắt vận động hay ý thức của học trò mình giữa chừng, hãy luôn để họ hoàn thành hết chuyển động của mình, nếu không bạn sẽ tạo ra thói quen xấu cho học trò.

13. Bạn luôn phải có lòng tin mãnh liệt vào những gì mình đang làm. Chúng ta nghiên cứu thấu đáo nguyên lý của Vũ Trụ và thực hành nó, Vũ Trụ sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta chẳng có lý do gì phải hoài nghi hoặc sợ hãi. Lòng tin đích thực đến từ sự nhận biết chúng ta với Vũ Trụ không phải là hai thực thể tách rời, riêng biệt. Chúng ta phải có can đảm để khẳng định với Khổng Tử rằng: Nếu lương tâm chúng ta thanh thản, chúng ta sẽ dám đối diện với kẻ thù đông hơn ta gấp ngàn lần.

Leave a Reply