Khi còn là uchideshi của thầy Koichi Tohei, tôi làm tài xế riêng cho thầy hàng ngày. Tuần 1 lần, tôi chở thầy đi lại giữa Tokyo và Tochigi. Chuyến đi thường mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, bởi đường cao tốc không được thuận tiện lắm vào thời điểm đó.

Nếu chỉ lái xe trong 1 thời gian ngắn thì sẽ không khó để giữ bình tĩnh. Tuy nhiên nếu là suốt 3 giờ, tôi không thể kiểm soát được các thói quen xấu khi cầm lái của mình. Lần đầu tiên tôi chở thầy với tư cách là uchideshi, thầy Koichi Tohei ngồi ở ghế sau và không ngủ. Bây giờ thì tôi biết được là vì thầy không tin tưởng kĩ năng lái xe của tôi.

IMG_5618a

“ Lái xe thể hiện trạng thái tinh thần của bạn”

Một lần, thầy đã ân cần nói chuyện và giải thích cho tôi về điều này cho tới khi tôi có thể hiểu hết được ý nghĩa. Tôi muốn chia sẻ với các bạn 2 trong số các gợi ý sau đây.

Điều đầu tiên là việc chọn đúng thời điểm để nhấn phanh. Trước đèn giao thông hoặc biển dừng, khi xe cộ phía trước bạn dừng lại, tất nhiên là bạn sẽ cần phải đạp phanh. Thầy nói với tôi rằng thời điểm đạp phanh của tôi không phải lúc nào cũng giống nhau. Tùy từng ngày, có khi tôi đạp phanh đúng lúc và có khi chậm hơn một chút.

Là 1 tài xế, tôi chú ý đến đèn giao thông và chuyển động của xe cộ xung quanh mình và tôi biết rằng mình sẽ nhấn phanh rất sớm. Tuy nhiên những người đi cùng không phải lúc nào cũng nhìn thấy được và có thể sợ hãi, “ Anh ta có nhận ra được tình huống xung quanh không vậy?” Điều này có thể khiến họ hoảng sợ một cách không cần thiết.

Tôi phát hiện ra là mình đã không tôn trọng ý nghĩ của những người khác.
Tôi có ý thức ích kỷ đó, và đã không “ Đặt bản thân mình vào vị trí người đối diện” – một trong năm nguyên tắc của Shinshin Toitsu Aikido. Khi tôi không có ý thức đó trong đầu, kĩ năng aikido của tôi cũng không hiệu quả trên thảm tập.

Gợi ý thứ hai mà thầy Tohei đưa cho tôi là những gì xảy ra khi đèn giao thông chuyển sang màu vàng.

Theo sách “ Đạo luật Giao thông đường phố” ở Nhật, nếu đèn chuyển sang màu vàng khi bạn đã đi vào chỗ đường giao nhau, bạn được phép cẩn thận đi tiếp để tránh phải dừng lại giữa chừng.

Ngược lại, nếu đèn chuyển sang màu vàng trước khi bạn đi vào đường giao, về cơ bản bạn phải đi chậm lại, dừng hẳn rồi chờ ở vạch dừng ( trường hợp ngoại lệ duy nhất là khi xe đi sau bạn đang lao tới với tốc độ nguy hiểm). Thỉnh thoảng tôi cũng không tuân thủ đúng luật này và tăng tốc khi nhìn thấy đèn vàng để vượt qua đoạn đường giao.

Thầy mắng tôi một lần, rồi hai lần, khi ở trong xe, nhưng tôi vẫn chưa sửa thói quen này. Cuối cùng, thầy quyết định nói chuyện với tôi.

“ Con có thật sự hiểu tại sao việc đó lại sai không?” Thầy Tohei hỏi tôi.

Thành thật mà nói, lúc đó tôi đã không hiểu là có điều gì không đúng với thói quen của mình. Tôi đã tăng tốc sau khi đèn vàng bật lên rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ bị phạt và cũng không có tai nạn nào xảy ra.

Thầy Tohei tiếp tục khiển trách “ Con chỉ ý thức được những gì có thể nhìn thấy, đúng không?”

Thầy bắt đầu giải thích về những “khả năng tai nạn” không được nhìn thấy. Có thể vào thời điểm này con không nhìn thấy vấn đề gì hết, nhưng thói quen tăng tốc khi gặp đèn vàng sẽ làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn trong tương lai.

Nếu con có tỉ lệ rủi ro này cao hơn bình thường trong suốt cuộc đời, khi tính toán sai lầm xảy ra, con có thể sẽ gây ra tai nạn. Thói quen đi chậm lại khi đèn vàng có thể làm giảm rủi ro. Con không thể đưa tỷ lệ rủi ro về 0%, nhưng con có thể hạn chế nó xuống thấp nhất có thể.

Vì tôi không nhìn thấy được rủi ro, tôi đã nghĩ rằng: “ Bây giờ mình không gặp vấn đề gì và mình cũng sẽ không gặp vấn đề gì trong tương lai”. Thái độ của tôi lúc đó chính là “ Nếu bạn không nhìn thấy thì nó không có thật”.

Nếu tôi vẫn giữ cái thái độ đó trong đời sống hàng này, tôi có thể đã gặp phải những rắc rối không chỉ trong việc lái xe mà còn trong cả những việc khác. Thầy Koichi Tohei đã mắng tôi bởi thái độ không tin vào những gì không nhìn thấy chứ không chỉ về những cái đèn giao thông vàng.

“Tinh thần dịch chuyển thể xác” và lái xe thể hiện trạng thái tinh thần của bạn. Bạn có thể nhìn thấy trạng thái tinh thần của mình qua chính việc lái xe.

Sau khi tôi trở thành người có thể lái xe một cách bình tĩnh trong mọi lúc, thầy Koichi Tohei thường ngủ ở hàng ghế sau. Đến giờ tôi đã hiểu rằng thầy luôn luôn kiểm tra tình trạng tinh thần của tôi. Đây là điều mà tôi đã trải nghiệm trong quá trình huấn luyện Uchideshi.

Nguồn: http://www.shinichitohei.com/english/2017/05/driving-a-car.html

Dịch: Hiên Đoàn

Leave a Reply