Nơi chúng ta cùng nhau luyện tập Ki-Aikido được gọi là Dojo. Ngoài ý nghĩa phổ biến là “võ đường”, Dojo còn có nghĩa là “đạo trường” – tức là “nơi học đạo”.
Vì lẽ đó, chúng ta cần đặc biệt nghiêm túc khi ở trên Dojo và thực hiện đầy đủ các nghi lễ, nguyên tắc được đề ra trong khi luyện tập Ki-Aikido. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản để chúng ta thực hành và rèn luyện mỗi ngày.
1. TRƯỚC BUỔI TẬP
– Đến trước giờ tập ít nhất 5-10’ (thời gian để thay võ phục, chào hỏi bạn tập, ổn định tâm trí trước khi bắt đầu luyện tập)
– Khi vừa bước vào dojo, cúi chào về hướng Shomen (vị trí trang trọng có treo chữ Ki).
– Chào hỏi Sensei (thầy) và bạn tập khi gặp
– Xếp dép ngay ngắn trước thảm tập, mũi dép hướng ra bên ngoài
– Trong trường hợp đến muộn, chủ động quỳ chào Shomen, quỳ chào Sensei và bạn tập, sau đó mới vào vị trí cùng mọi người tập luyện.
2. BẮT ĐẦU BUỔI TẬP
– Bắt đầu buổi tập, cả lớp ngồi xếp hàng ngay ngắn, ngồi quỳ seiza, cúi gập người chào Shomen (hướng trước mặt, vị trí trang trọng đầu lớp)
– Sau đó, Sensei quay lại về phía các võ sinh, cả lớp thực hiện nghi thức cúi chào và đồng thanh nói “Onegaishimasu” – có nghĩa là “Chúng ta sẽ cùng nhau tập luyện nhé!” hay “Tôi sẽ đặt toàn tâm toàn ý theo sự chỉ dẫn của Thầy”.
3. TRONG BUỔI TẬP
– Buổi tập sẽ bắt đầu với phần khởi động. Võ sinh thực hiện theo các chỉ dẫn và nhịp độ của Sensei, không tự ý biến tấu theo ý mình. Chủ động giữ khoảng cách phù hợp với các bạn tập khi thực hiện các động tác khởi động, để tránh va chạm vào nhau.
– Kết thúc phần khởi động, Sensei hướng dẫn các kỹ thuật, đòn thế cần học ngày hôm đó. Khi Sensei đang diễn giải, làm mẫu, các võ sinh phải ngồi yên lặng quan sát trong tư thế ngồi quỳ seiza.
– Sau khi Sensei kết thúc phần làm mẫu, các võ sinh cúi chào trong tư thế ngồi quỳ seiza, rồi mới đứng lên tự chia cặp để luyện tập.
– Khi chia cặp để luyện tập, cúi chào bạn tập trước khi bắt đầu đòn thế.
– Luôn cẩn thận trong từng động tác để tránh đả thương bạn tập.
– Luôn để ý giữ maai (khoảng cách an toàn) để tránh va vào các võ sinh khác trong quá trình tập luyện.
4. CUỐI BUỔI TẬP
– Kết thúc buổi tập, võ sinh trở lại vị trí xếp hàng ngay ngắn, trong tư thế ngồi quỳ seiza, cúi gập người chào Shomen.
– Sau đó, Sensei quay lại về phía các võ sinh, cả lớp thực hiện nghi thức cúi chào và đồng thanh nói “Domo Arigatou Gozaimashita” – nghĩa là “Cảm ơn rất nhiều”.
– Các võ sinh cũng thực hiện nghi thức cúi chào và nói “Arigatou Gozaimashita” với người bạn đã tập với mình ngày hôm đó.
5. MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC
– Giữ Dogi (võ phục) sạch sẽ. Gấp gọn Dogi sau mỗi buổi tập luyện.
– Nên cắt ngắn móng tay, móng chân và tháo đồ trang sức, đồng hồ ra trước khi tập luyện (để đảm bảo an toàn).
– Luôn có ý thức giữ gìn Dojo sạch sẽ và trang nghiêm. Chủ động tới sớm và ở lại một chút cuối giờ để xếp thảm, dọn dẹp khi thấy rác hay bụi bẩn trên sàn, cố gắng giữ khu vực phòng vệ sinh, phòng thay đồ luôn khô ráo, gọn gàng.
– Tận dụng tối đa thời gian trên dojo vào việc luyện tập Ki-Aikido, không nói chuyện riêng hay bàn luận về các chủ đề không liên quan.
– Không chỉ trích các môn võ học khác ngoài Ki-Aikido.
– Không sử dụng các đòn thế, nguyên lý của các hệ phái võ học khác trên dojo Ki-Aikido.
– Không tự ý rời thảm tập khi chưa có sự cho phép của Sensei, trừ một số trường hợp đặc biệt.
– Nên chủ động ra gấp hakama cho (các) Sensei vào cuối buổi tập.
Những nghi lễ, nguyên tắc kể trên xem qua có thể thấy hơi rườm rà hay khó nhớ, khó hiểu. Nhưng rất tự nhiên thôi, khi bạn đến với dojo Ki Aikido Hà Nội, những người-đi-trước sẽ chỉ cho bạn biết bạn cần phải làm gì. Những việc quy củ, nhỏ nhoi và giản dị cũng là một của việc luyện tập Ki Aikido. Hãy thực hành cùng nhau, để mỗi ngày thêm tiến bộ trên con đường hoà hợp với Khí.