Một vài tuần trước, tôi đã quan sát thấy một cậu bé có mặc Dogi (võ phục) trên thảm tập. Khi vài cô chú khác cũng đang mặc Dogi chào cậu bé, cậu nhìn qua rồi chạy đi mất mà không có lời chào hỏi lại. Tất nhiên, những người lớn đó đành gượng cười nhìn nhau.

Bạn có thể cho rằng đứa bé quá xấu hổ, hay nó đang vội làm chuyện gì đó. Nhưng tôi không cho rằng cậu ấy đang thực sự luyện tập võ đạo khi mà cậu ấy không thể chào hỏi người khác. Thật ra thì, việc đó lại xảy ra ở một trong những Dojo của chúng ta.

Tôi đã nói chuyện với huấn luyện viên trưởng của Dojo đó, và được biết rằng cậu bé đó chỉ mới bắt đầu luyện tập Aikido, và cậu ta chưa được hướng dẫn về cách chào hỏi mọi người. Huấn luyện viên đã có lời xin lỗi về chuyện đó.

Chào hỏi là nền tảng cơ bản cho các mối quan hệ. Trong tiếng Nhật, chào hỏi có nghĩa là “Aisatsu” (挨拶). Từ này có nguồn gốc từ các giáo lý về Thiền Tông (Zen). [1]

Dựa trên “Ki” và nói, sự chào hỏi có nghĩa là thừa nhận sự có mặt của người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy buồn hay thất vọng khi không được chào hỏi, bởi vì việc đó giống như “phớt lờ sự có mặt của người khác”. Một lời chào hỏi có thể tạo sự kết nối về Ki. Và tất nhiên, không chào hỏi có thể làm ngắt đi sự kết nối về Ki.

Ở một số thành phố ở Nhật Bản, cha mẹ thường dạy con cái mình rằng không nên chào hỏi người lạ. Trong xã hội ngày ngay, việc đó dường như hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng việc không chào hỏi người lạ có thể còn gây ra nhiều vấn đề hơn nữa. Việc thể hiện rằng “Tôi nhận ra sự có mặt của bạn” có thể đề phòng được những hành động nguy hiểm đối với bạn. Tôi nghĩ việc chào hỏi cần được hiểu theo một cách khác. Thay vì “Không được nói chuyện với người lạ”, chúng ta có thể dặn dò con cái rằng “Không được đi theo người lạ”.

Nếu bạn đang luyện tập Ki Aikido, hãy bắt đầu bằng việc học cách chào hỏi mọi người trong cuộc sống hàng ngày của mình. Nếu bạn không thể chào hỏi người khác một cách thoải mái, thì việc luyện tập trên Dojo chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi muốn chia sẻ tầm quan trọng của việc chào hỏi tới tất cả các thành viên của chúng ta trên toàn thế giới.

Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng, “chào hỏi” và “đáp lời” không hề giống nhau. Chào hỏi là hành động chủ động thừa nhận sự có mặt của một ai đó, còn việc đáp lời chỉ là sự bị động. Nhiều người nhầm lẫn rằng đáp lời cũng là một sự chào hỏi.

Một số người cảm thấy khó khăn trong việc chào hỏi mọi người. Ví dụ, khi bạn mắc lỗi trong công việc và cảm thấy chán nản, sự kết nối của bạn và môi trường xung quanh bị trì trệ, do đó việc khuếch trương Ki hay tinh thần trở nên vô cùng khó khăn. Trong trạng thái này, tinh thần của bạn bị thu hẹp và chỉ chờ đợi người khác chào hỏi mình. Sự trì trệ trong sự luân chuyển Ki này có thể cứ lặp đi lặp lại một cách luẩn quẩn.

Nếu bạn coi chào hỏi là việc gì đó quá đặc biệt và cần nhiều công sức để thực hiện, bạn sẽ không thể dễ dàng chào hỏi mọi lúc mọi nơi. Do đó, hãy để việc chào hỏi trở thành một việc đơn giản diễn ra một cách bình thường mỗi ngày, và dần dần bạn sẽ thấy tự nhiên và thoải mái hơn trong việc chào hỏi mọi người.

Khi tôi hướng dẫn các huấn luyện viên trẻ, có đôi khi tôi trách mắng họ một cách nặng nề. Một số bạn không thể tiếp tục chào hỏi tôi sau khi bị mắng. Nhưng một số bạn lại có thể chào hỏi tôi thường xuyên hơn trước.

Nếu bạn xem xét vấn đề này theo các nguyên lý về Ki, bạn sẽ dễ dàng đoán được những huấn luyện viên nào sẽ phát triển nhanh hơn.

Chào hỏi là một sự thực tập hữu hiệu có thể giúp bạn khuếch trương Ki mạnh mẽ hơn.

Nguồn: http://www.shinichitohei.com/engl…/…/07/why-is-greeting.html

—————————————–

[1] – Trích từ THIỀN LÂM TẾ NHẬT BẢN – Nguyên tác Matsubara Taidoo – Thích Như Điển dịch – Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2006:

“Những vị Thiền sư chào nhau thường chắp hai tay lại là tôn trọng Phật Tánh vốn có sẵn trong tâm của người kia. Đó là điều cần lưu tâm. Ngày nay tín đồ của tông Lâm Tế, dù không có chắp tay nhưng rất thành kính, lễ phép và thân thiện chào nhau khi gặp nhau. Nghi thức, lời nói và động tác ấy cho chúng ta ý nghĩ rằng đó là điều căn bản chào nhau của Thiền ngữ “Ai tạt” (Aisatsu – 挨拶) .

Chữ Hán viết là “Ai” nghĩa là người đối diện gần mình. Chữ “tạt” nghĩa là dẫn dắt. Người tu Thiền cần gần gũi Thầy, người hướng dẫn để khi có việc cần hỏi, Thầy sẽ chỉ dạy. Khi Thầy gạn hỏi về tâm đã bị chôn vùi ấy, chỉ rõ Phật tánh gọi là “Ai tạt“

Chào hỏi của Thiền giả là một phương pháp giáo dục rất quan trọng và cần thiết. Thầy xuất hiện để chỉ rõ chân lý cho mình. Đệ tử xuất hiện đúng với chân lý và nói lời “chào” ấy. Suy nghĩ về sự thật nầy, tín đồ của tông Lâm Tế khi gặp người khác, không phải lúc nào cũng dùng nghi lễ chào hỏi, để chỉ Phật tánh bị chôn vùi kia, như hai chữ Aisatsu thường dùng, mà chỉ cần kính nể, lễ phép chào nhau là được rồi, không thể thiếu sót được.”

Trích từ đường dẫn https://vn.manabillage.com/posts/40 :

“「一挨一拶」- “Ichiai Ichisatsu” là từ gốc của 「挨拶」- “Aisatsu”, thường được thực hành như một phần Thiền tông của Phật giáo. Đây là một cách để kiểm tra sự tiến bộ tâm lý của người tu hành giữa những học viên tôn giáo. Từ đó, nó lây lan sang những người bình thường. Và cuối cùng, mọi người đều thực hiện “Ichiai Ichisatsu” mỗi khi gặp một người khác. Đối với chúng ta ngày hôm nay, thì “Ichiai Ichisatsu” được thể hiện bằng việc hàng ngày chúng ta đều chào nhau “Ohayo” hay “Konnichiwa” đấy.”

Dịch: Phạm Đức Dũng

Leave a Reply