Ðã có hồi tôi dạy học trong một trường làng, ở đó có một ông thầy rất trẻ tuổi phụ trách lớp sáu. Ông giáo này là một ông giáo rắt tận tâm nhưng lại hay đánh học trò. Hồi trước khi chiến tranh, thì trừng phạt học trò như vậy không sao, nhưng sau này, khi một nền giáo dục dân chủ đã thành hình, thì nhưng vụ đánh đập như vậy đã khiến cho các bậc phụ huynh học sinh đâm ra tức giận, và đòi ông thầy giáo kia phải thuyên chuyển đi nơi khác. Ngay sau khi tôi nghe được chuyện đó, tôi bèn tới gặp ông thầy giáo trẻ tuổi đó. Tưởng rằng tôi đến để trách mắng, ông ta bèn sửa soạn thái độ mình trước.

Thoạt đầu tôi chỉ ngồi nghe ông ta phân trần. « Nền giáo dục dân chủ thời hậu chiến này rất là hay. Tôi đồng ý, nhưng cả học sinh lẫn phụ huynh học sinh đều hiểu lầm nó. Mọi người đều tưởng đó là một cách để không ai có quyền can thiệp gì hết. Khi con nít khôn lớn hơn, nhất định chúng sẽ trở thành những thành phần xấu. Chúng chẳng thèm nghe lời ai cả. Nếu ta cứ để nguyên tình trạng đó như thế, thì chúng sẽ chẳng tiến đến đâu. Tôi biết rằng đánh đập trẻ con là không tốt, nhưng tôi cứ vẫn đánh, bởi vì như thế tốt cho chúng. Tôi rất tin tưởng vào giáo dục, nhưng nếu ông cho điều tôi đang làm đây là không đúng, thì tôi rất sẵn sàng từ chức, bất cứ khi nào ông muốn ».

Ông giáo trẻ tuổi đầy hăng say đó nói câu trên với cả một sự quyết tâm, không nhượng bộ một ly nào, nhưng tôi có cảm tưởng là ông ta nóng tính. Tôi chưa nói gì mà ông ta đã nổi dóa quá nhanh.

Tôi bèn trả lời : Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu ông đánh học trò để làm cho chúng trở thành người tốt, thì ông cứ việc đánh đi, đánh thật đau. Tôi sẽ giúp ông điều gì có thể giúp để ủng hộ ông.

Người thanh niên ngạc nhiên. Lẽ tất nhiên ; điều ông ta nói rất là đúng. Sự dân chủ hóa nền giáo dục quá bất ngờ đó đã mang đến nhiều sự lạm dụng về quyền thế. Tuy nhiên tôi nói thêm : Nên ông muốn cải thiện học trò của ông, thì đó là một việc rất tốt ; và nếu quả thực như vậy, thì ông nên đánh học trò trong lúc ông không cáu giận. Từ nay trở đi, khi nào ông thấy đứa con nít nào đáng đánh đòn, thì ông nên xét lại xem ông có đang cáu giận hay không. Nếu không, thì ông cứ việc đánh. Nếu trong khi đang cáu giận mà ông đánh nó, thì sự cáu giận của ông thêm vào với sự trừng phạt, sẽ truyền sang đứa nhỏ và sẽ chẳng sửa đổi gì nó được cả. Nếu ông trừng phạt nó với một tình thương trong lòng và để cho nó trở thành một người tốt, thì ông nhất định sẽ có thể trừng phạt trong lúc ông bình tĩnh. Lúc đó học trò ông sẽ hiểu rằng ông trừng phạt chúng trong tình thương.

Ông thầy giáo đó, sau khi nghe tôi nói như vậy thì hiểu ra ngay và từ đó trở đi không hề đánh một học trò nào nữa. Nếu sắp sửa đánh đòn một đứa nào, thì ông ta trở nên bình tĩnh lại, nghe xem đứa trẻ nói gì, và rồi cảm thấy không cần đánh đòn nữa.

Leave a Reply