Sau đây là một câu chuyện thú vị mà tôi đã chứng kiến trong một chuyến tập huấn tại Hawaii cùng với thầy Koichi Tohei.
Vào chuyến đi đó, đã có một chàng thanh niên trẻ người Mỹ đứng quan sát buổi tập cùng với mẹ của mình và khi buổi tập kết thúc hai mẹ con kia đã tiến tới chào hỏi thầy Tohei.
Bà mẹ đã chia sẻ với chúng tôi rằng, nhiều năm về trước, bà đã mang theo cậu con trai của mình tới võ đường vào thời điểm thầy Koichi Tohei cư trú tại Hawaii nhằm quảng bá cho môn võ Aikido. Ở thời điểm này, cậu bé đó rất quậy và bướng bỉnh, điều này khiến bà mẹ rất lo lắng và tìm tới sự giúp đỡ của thầy.
Thầy Tohei lập tức nhớ ngay đến sự kiện này khi được nhắc đến và họ đã có một buổi trò chuyện thú vị. Đặc biệt là với tôi, người mà không được chứng kiến câu chuyện này từ đầu, bà mẹ đã kể lại cho tôi một cách rất chi tiết.
Bà ấy kể rằng khi tìm tới thầy Koichi Tohei lần đầu tiên và nói về cậu con trai của mình; “Nó là một đứa trẻ rất hiếu động và hầu như không bao giờ biết nghe lời. Quả thực chẳng có bất kể điều gì tốt đẹp để kể về nó!”. Khi nghe thấy phản ánh này, thầy Koichi Tohei liền đáp lại: “Chị đừng nên lo lắng quá, mọi đứa trẻ đều sở hữu những tố chất tốt đẹp.” Vậy nên thầy Tohei đã quyết định cho cậu bé được tham gia luyện tập để có được đánh giá trên góc nhìn riêng của mình.
Khi được trực tiếp giảng dạy trên lớp, cậu bé quả thực gặp khó khăn trong việc tập trung và thực hành theo hướng dẫn, điều này khiến thầy Tohei phải thừa nhận rằng cậu bé thực sự là một trường hợp khó. Bà mẹ, người luôn thường trực và quan sát lớp học, thể hiện sự đắc ý qua khuôn mặt như thể “Đúng không? Đâu phải mỗi mình tôi nói vậy!”.
Sau buổi tập, thầy Koichi Tohei đã có một cuộc nói chuyện riêng với cậu bé. Câu bé chắc hẳn nghĩ rằng thầy sẽ nổi cáu với mình và có vẻ như rất xấu hổ.
Thầy Tohei ân cần nói với cậu nhóc: “Ta đã cố gắng để đi tìm một điểm tích cực trong con, nhưng quả thực hôm nay ta chẳng thấy được bất kể điều gì cả. Tuy nhiên, chắc chắn ta sẽ tìm thấy ở lần gặp tới, vậy con hãy hứa với thầy sẽ tiếp tục quay trở lại tập luyện nhé!”. Cậu nhóc nhận thấy thầy không hề nổi cáu với mình và đáp lại: “Dạ vâng ạ! Chắc chắn con sẽ quay lại!”, rồi rời đi với một nụ cười trên môi.
Kể từ khi đó, cậu nhóc bắt đầu tập luyện để tâm hơn. Bất cứ khi nào tìm thấy được điểm nào tích cực ở cậu, thầy Koichi Tohei đều thốt lên “Ta đã tìm thấy một điểm tốt!”, rồi thầy không ngần ngại chỉ ra cho cậu bé. Bà mẹ, người luôn quan sát buổi tập, quan sát thấy được sự chuyển biến này.
Dần dần, cậu bé ngày một điềm tĩnh hơn, và những hành xử cũ làm phiền lòng mẹ mình cũng dần biến mất. Nhận thấy sự thay đổi này, bà mẹ cũng dần nhận thấy một cách vô thức bà chỉ tập trung vào những điều tiêu cực từ cậu con trai của mình.
Rồi khi chuyến công tác của thầy Koichi Tohei cũng phải kết thúc, thầy trở về Nhật Bản, cậu nhóc ngày nào cùng mẹ mình đã đến để gửi lời chào tạm biệt, cậu bé đã khóc rất nhiều và không muốn nói lời chia tay với thầy.
20 năm sau, cậu nhóc khó ưa thuở nào đã trở thành một chàng thanh niên trưởng thành.
Bà mẹ đã chia sẻ rằng cậu bé trưởng thành của bà nay đã trở thành “một cậu con trai đáng tự hào và luôn thể hiện tình yêu với cha mẹ mình”, và bà cũng không quên gửi lời cảm ơn xúc động tới thầy Koichi Tohei, “Đây quả thực là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời của tôi!”.
Cảm xúc bộc lộ qua khuôn mặt của hai mẹ con ở thời điểm đó đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
…
Bài học:
“Luôn tìm kiếm tới điểm tốt đẹp và khích lệ chúng!”, thay vì “Luôn nhìn vào những điều tồi tệ và quát mắng chúng!”, nghe thì có vẻ dễ hiểu nhưng lại không hề dễ chút nào để áp dụng những điều này trong cuộc sống hằng ngày.
…
Lý do cho điều này là vì khi khám phá ra điều tốt đẹp ở người khác, chúng ta thực sự phải dành thời gian và nỗ lực để tìm kiếm. Thường thì chỉ dành một chút thời gian ngắn quan sát và không đặt trong sự yêu thương hay quan tâm, chúng ta sẽ chẳng thể nào có thể hiểu được người khác.
Chỉ bằng sự thấu hiểu người khác, chúng ta mới có thể thực sự hỗ trợ cho sự phát triển của họ. Vậy nên, thực hành “giữ vững Nhất Điểm” và “hô hấp với Khí” đều có tác dụng đáng kể.
Nếu chỉ dừng lại ở việc tìm ra những điều tồi tệ ở người khác, việc này chẳng tốn mấy nỗ lực của bạn. Sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy như trên vì điều này là quá hiển nhiên và rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ bằng cách chỉ ra những điều chưa tốt cũng sẽ chẳng bao giờ làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn.
Điều này cũng tương đồng với thực hành Hiệp Khí Đạo – Tinh thần và Thể xác hòa hợp. Chỉ đơn thuần chỉ ra những điều chưa tốt ở học sinh thì không thể gọi là giảng dạy. Dạy học là “hướng dẫn người khác cho đến khi họ có thể làm được”, đây là điều mà các huấn luyện viên phải luôn luôn thực hành.
Một cựu tuyển thủ bóng chày Nhật Bản, Tatsuro Hirooka đã nói rằng: “Cái gì tốt là tốt, cái gì xấu là xấu”, và thứ anh ý quan tâm là “bằng cách nào có thể làm cho mọi người tốt hơn” và luôn tiếp tục suy nghĩ về nó. Một khi anh ý đã tự đặt tư tưởng này cho mình trước khi huấn luyện cho ai khác, anh ý sẽ thực sự quan tâm và hỗ trợ người khác cho đến cùng.
Tôi cảm nhận điều này là điều tôi nên làm với cương vị là người lãnh đạo.
Đôi lúc, tôi quên mất và chỉ nhìn vào khiếm khuyết ở người khác. Khi nó xảy đến, tôi vẫn tự nhắc mình quay trở về với bản chất “hãy đi tìm điều tốt đẹp ở người khác!”.
—
Biên dịch sang Tiếng Anh bởi C. Curtis – Biên dịch sang Tiếng Việt bởi CLB Ki Aikido Hà Nội.
—
Để tìm hiểu thông tin lớp học vui lòng liên hệ inbox tại:
hoặc:
– Hotline: 093 789 2166
Website: https://kiaikido.vn
Vạn Phúc Dojo: Số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội.