Ngắt hoặc dừng đòn là một trạng thái thường gặp với những ai tập luyện Aikido.

Ví dụ như trong tình huống phải quăng ném đối phương và người ném xác định sẵn hướng ném từ trước khi có được kết nối với đối phương , chính vì lý do này dẫn đến việc ngắt hoặc dừng đòn đánh. Và hệ quả là người thực hiện kỹ thuật sẽ không tài nào có thể tiếp tục dẫn dắt hay quăng ném người bạn tập kia nữa.

Chìa khoá để thoát khỏi tình huống này chính là hãy tĩnh tâm và cố gắng cảm nhận trạng thái của người đối diện. Sau đó bạn sẽ có thể dẫn dắt và quăng ném mà không gặp trở ngại gì nữa.

Thông qua việc rèn luyện tình huống này trên thảm tập, chúng ta sẽ dần nhận ra sự liên quan của nó với những ngắt hoặc dừng mà chúng ta thường gặp trong đời sống.

Ngày trước, tôi cũng là một trường hợp như vậy.

Thời đó, tôi thường dành thời gian huấn luyện cho nội đệ tử của mình. (Bây giờ chúng tôi đã thay đổi lại hệ thống và trong những năm gần đây không còn huấn luyện thêm nội đệ tử nữa).

Vì muốn học, nên các nội để tự sẽ chuyển vào sống tại Tổng Đàn một thời gian, nhưng thực tế tâm thế học hỏi của họ chưa thực sự hình thành và hệ quả là họ không thể làm theo những gì mà tôi đã truyền đạt. Điều này làm tôi rất khó chịu mặc dù tôi đã rất kiên nhẫn với họ.

Một ngày nọ, Thầy Koichi Tohei có đến và trò chuyện với tôi:

“Chỉ khi nào con thực sự toàn tâm toàn ý đối diện với tất cả mọi vấn đề trước mắt thì con mới có được lời giải cho những vấn đề đó!”

Hiểu về câu chữ là đương nhiên, nhưng tôi không thể nắm ngay được ý nghĩa thực sự của chúng là gì.

Vào buổi lên lớp Aikido sau đó, tôi mới thực sự hiểu ra vấn đề là gì.

Khi đang hướng dẫn về kỹ thuật “Katatedori Tenkan Kokyunage”, một học viên đã bị dừng và không thể tiếp tục thực hiện kỹ thuật, nguyên nhân nằm ở cách mà cô ý để đối phương nắm giữ cổ tay. Theo quan sát cô ấy đã chủ đích đẩy cổ tay của mình nhằm xoay theo kỹ thuật “Tenkan”.

Tôi liền nhắc: “Không nên đặt mục tiêu xoay Tenkan lên hàng đầu khi cổ tay đang bị giữ chặt, thay vào đó hãy giữ nguyên cổ tay tại vị trí nắm; thông qua cảm giác đó để hiểu được xu hướng của bạn tập”. Ngay khi nắm được ý nghĩa này, cô ấy liền thực hiện được kỹ thuật của mình.

Và chính ngay ở thời điểm đó, tôi mới thực sự thấm thía lời chỉ bảo của thầy.

Khi huấn luyện với nội đệ tử, tôi đem mục tiêu của mình lên trước, “Các cậu phải làm như thế này!”, và đem lại những kết quả mà tôi mong muốn. Và kết quả là một cú “ngắt” nằm trong dự đoán đã lại xuất hiện ở đây; tương tự trong Aikido, tôi chẳng thể nào dẫn dắt họ một cách hiệu quả.

Tôi nhận ra một sự thật rằng tôi đã không hề thực sự đối diện với họ. Tôi gặp gỡ họ hằng ngày nhưng chưa hề toàn tâm toàn ý đối với họ.

Nền tảng để thấu hiểu người khác chính là hãy đối diện và thực sự quan tâm tới những người xung quanh mình.

Ngay cả trong giao tiếp hằng ngày hoặc đàm phán trong công việc, tôi luôn luôn đặt mục tiêu của mình lên trước. Điều này là nguyên nhân của những cú “ngắt” hoặc làm cho mọi thứ xung quanh trở nên tắc nghẽn.

Từ đó “Toàn tâm toàn ý” trở thành một trong những nguyên lý quan trọng với tôi. Tôi đã bắt đầu tìm ra những nỗ lực thực sự để phát triển cho nội đệ tử của mình.

Ngay cả bây giờ, khi mà thói cũ lại xuất hiện. Giống như với Aikido, tôi luôn giữ nhất điểm và một tâm thế tĩnh tại khi gặp gỡ người khác, đối diện và thực sự để tâm đến họ, rồi mọi thứ đều trở nên dễ dàng ngay sau đó.

Trong giáo dục, mọi người thường cho rằng quan trọng nhất là người thầy và trò phải cùng nhau dạy và học. Tôi biết đây không phải chuyện đơn giản. Chúng ta thực sự cần phải đối diện và thực sự quan tâm tới học sinh của mình và từ đó chúng ta mới có thể cùng nhau dạy và học được.

Thầy Koichi Tohei đã truyền đạt Aikido trong đời sống hằng ngày thông qua việc giảng dạy Ki – Aikido. Mục tiêu của sự rèn luyện là có thể sử dụng những gì học được trên thảm tập ngay trong đời sống hằng ngày.

Hãy tiếp tục duy trì tập luyện cùng nhau nhé!


(Nguồn: http://www.shinichitohei.com/…/02/facing-with-our.html)


Để tìm hiểu thông tin lớp học vui lòng liên hệ inbox tại:
– m.me/KiAikidoVietnam
hoặc:
– ☎️ Hotline: 093 789 2166
📰 Website: https://kiaikido.vn
⛩ Vạn Phúc Dojo: Số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội.