– Cái hay của ki aikido mà mình thấy –
Tập ki aikido đc 2 năm, và đây là những cảm nhận của mình về môn này:
(1) Nếu nói về tính thực chiến, 1 đấu 1 thì mình ko bàn tới. Nhưng chí ít đi ra bên ngoài cũng biết giữ khoảng cách an toàn (ma-ai) thì ít nhiều giúp đc cho mình và người khác an toàn hơn. Hoặc giả sử có cái ô tô lao tới thì biết cách di chuyển đúng để tránh, bị quây đánh thì biết dùng đòn này đòn nọ để phần nào để ko hạn chế đc 10 phần, thì cũng 5 phần chấn thương, rồi bỏ chạy… mà nói chung hay nhất là tập làm sao có thể dàn xếp các cuộc cãi vã, gây gổ, phân tranh bằng cách thức bất bạo động, để rồi phải động tay động chân.
(2) Còn phần đa cái hay của Aikido nói chung và Ki Aikido nói riêng, theo cảm nhận cá nhân mình thì nó nằm ở chỗ “Giúp mình thay vì phóng tâm lăng xăng ra bên ngoài, mình sẽ quay về bản thân, lắng nghe và hiểu cơ thể của mình và người khác hơn. Để rồi cuối cùng khiến thân và tâm hoà hợp, nhẹ nhõm, cử chỉ, hành động thanh thoát, có chừng mực và đẹp đẽ, cuối cùng sẽ cảm thấy tự tại và đạt được sự tự do thực sự trong nội tâm.”
Hay nói cách khác, thi thố với đối thủ, mong cầu đạt đai đẳng, được người đời công nhận này nọ, cố gắng trình diễn và thể hiện mình nọ kia, có số có má ở đời, nghĩ làm sao áp đảo người khác… đều khiến tâm bị vọng động. Cái vọng động đó khiến cho mình như có lửa đốt, luôn đẩy mình chạy về phía trước và ko bao giờ cảm thấy tự do nội tâm thực thụ. Giống như các nhân vật nuôi mộng “vô địch thiên hạ” trong các tiểu thuyết kiếm hiệp. Họ hay từ bỏ những gì xung quanh mình, lao ra tranh đấu bên ngoài, những tưởng đạt được nọ kia trong thiên hạ thì mình mới có được hạnh phúc. Họ bỏ cả đời tranh đấu, cuối cùng nhận ra cái tên gọi “vô địch thiên hạ” nó chỉ là hư danh, ngoảnh lại thấy tóc đã bạc, và cái hạnh phúc nó có xa vời ở đâu đâu? Đôi khi chỉ là được ngồi uống trà ăn cái bánh với người thương của mình bên hiên nhà. Nhưng lúc đó, người thương cũng đã chẳng còn bên mình nữa (ai gây lỗi lầm với người mình yêu quý, và giờ người đó ko còn nữa, thì sẽ cảm nhận sâu sắc điều này).
Còn trong ki-aikido, vì nó không có thắng thua, nên cách thức triển khai luyện tập sẽ tập cho mình thói quen đừng phóng tâm ra bên ngoài, đừng nghĩ làm sao đánh cho người kia bết xê lết. Khi thấy tâm mình bị động, cái quan trọng là phải dừng lại và đem tâm thở về với thân. Bởi vậy, môn sinh luôn được sensei và sempai nhắc nhở:
– Xem lại tư thế mình đã vững chưa?
– Mình có gồng cứng không? Có mắm môi mắm lợi không?
– Mình có cảm thấy thoải mái, ung dung tự tại, chắc chắn trong từng chuyển động zenshin goshin, tekkan hay nhịp lên xuống không?
– Cái khí của mình có bị xốc lên, tán loạn và bất an không?
– Cơ thể bạn tập nóng hay lạnh? Mềm hay cứng? Họ hôm nay vui hay buồn? Mệt mỏi hay hứng khởi?
– V.v…
Phải nói thật, vài tháng đầu tập luyện theo cách thức này, mình cảm thấy rất khó chịu. Nhất là mình đang theo quán tính thực hiện 1 đòn nào đó, lại bị người kia dừng lại, sờ sờ nắn nắn, test ki rồi đẩy 1 cái xem người có bị đổ ra phía sau hay không, rồi lắc đầu bảo không được, rồi kêu phải refresh lại tư thế đứng đúng, vẩy vẩy tay cho cái ki nó trầm xuống… Nhưng cứ theo chu trình 1 thời gian thì mình thấy quen, và mọi thứ nó trở nên “đâu vào đấy” hơn.
Nhất là cái tâm tính của mình. Trước đây, mình từng gặp 1 vị thầy, ngay sau cái chắp tay chào, vị ấy nói rằng: “Nhìn dáng vẻ bên ngoài của con thì điềm tĩnh. Nhưng cái khí của con thì nổi hết lên khuôn mặt, ánh mắt, hơi thở và trong từng cử chỉ dù nhỏ nhất. Ngay khi bước vào phòng, con đã gây cho người khác có một cảm giác gờn gợn nào đó.”
Sau 2 năm nhờ tập ki-aikido và một môn khác na ná như vậy, mình đã bớt được tính ăn thua đó hơn. Mặc dù bây giờ lên dojo, hôm nào không thi triển được đòn thế, tập với uke nào có thái độ đối đầu, hay bị người này người kia chỉnh dù họ tập sai, thì cái khí cũng bị bốc lên ít nhiều. Nhưng do tập thói quen quay lại quán sát thân và tâm, nên mình thường lấy lại được sự tự chủ sau đó, không lao theo sự phân tranh kia rồi phải đánh mất mình. Giả sử như thi triển mãi đòn nikkyo nhưng uke không si-nhê gì, đa phần cái tâm mình bị động, sẽ lại dồn lên cơ bắp, rồi nắm, rồi bẻ, rồi rắp tâm phải đánh một đòn thật nặng cho biết mặt nhau… thì mình chỉ nên chấp nhận rằng trình mình vẫn còn non, cảm ơn uke đã chỉ ra chỗ yếu của mình, buông bỏ đòn thế, rồi quay về chỗ ngồi… thở. Rồi ngay cái cảm giác bước lên thảm tập, thi triển 1 đòn cũng khác. Trước đây, từng cử chỉ của mình, mình luôn tưởng tượng có ai đó đang theo dõi mình (mặc dù chẳng có ai), nên mình phải đánh đòn thật đẹp, thật gọn, thân mình ở đây nhưng cái tâm mình nó cứ tán loạn nơi đâu, mình cứ nghĩ mình trên thảm tập phải là số 6, số 7, số 8 gì đó. Nhưng giờ thì đi tập, mình cảm nhận mình là số 0 (nghĩ vậy thôi, nhưng thực tế hành động vẫn như số 3, số 4), thì không còn trình diễn, không còn áp lực phải thi triển được hay không, uke mình là cao thủ hay người mới tập, tập đòn này đòn nọ để thi lên kyu… tất cả khái niệm đó đều rơi rụng. Lúc thân và tâm ở cùng 1 chỗ, 1 lúc, thì thân mình đang chuyển động theo đòn thế, và cái tâm mình cũng thực sự an trú, chuyển động theo thân. Và mình mới cảm nhận được cái oneness – thân tâm hợp nhất, và mình cảm thấy tự do, bình an trong các chuyển động. Khi đó cũng ko còn khái niệm nage – uke, đòn này thế kia, mà đơn thuần chỉ là những chuyển động với nhau.
Tới thời điểm này, thời gian tập ki-aikido của mình trên dojo gần như mình chỉ để ý mấy điều sau:
– khi thở, biết mình đang thở. Mình thấy an trú, khoẻ, nhẹ nhõm khi đang thở.
– Khi di chuyển, biết mình đang di chuyển. Mình thấy an trú, vững chãi trong từng di chuyển của mình.
– Khi thi triển một đòn, mình biết mình đang thi triển một đòn. Mình thấy an trú, thả lỏng và không gồng cứng trong đòn đó.
– Khi không đánh được một đòn, mình biết rằng trình độ có hạn và không đánh được đòn đó. Mình thoải mái và chấp nhận giới hạn của mình.
– Khi mình phởn chí, hí hửng khi được thày khen, mình biết là mình đang phởn chí. Quay trở lại với hơi thở của mình để cái khí nó không bốc lên tiếp.
– Khi sự khó chịu vì không đánh được đòn hay bị bạn tập chê trách, mình biết sự khó chịu đang có trong mình. Không đuổi theo đòn đánh mà refresh lại tư thế, hoặc ngưng hẳn đòn đánh mà quay ra ngồi…hít thở, chấp nhận sự yếu kém và hạn chế của bản thân.
Vậy nếu không vì đai đẳng, số má này nọ, thì mục đích thật sự của việc luyện tập hết ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ để làm gì?
Bởi những điều liệt kê ở trên nghe thì đơn giản, nhưng nó ko phải hiểu bằng trí não và chất chứa nó thành những lý thuyết để đem đi hùng biện với người khác. Nó cần được ấp ủ và đem ra thực hành trong những giờ tập luyện, cho-chính-bản-thân-mình. Cứ tưởng tượng thời gian đầu, mình chỉ là một hòn đá thô nhám và góc cạnh. Nhưng qua quá trình bào mòn, nó sẽ mất dần góc cạnh và tròn trịa hơn. Việc tập luyện đều đặn chính là quá trình bào mòn viên đá.
Như lời căn dặn của vị thày nọ với mình: “Ra ngoài cuộc sống, quên hết kinh kệ, lý thuyết cao siêu này nọ đi. Đừng làm dáng làm bộ, cứ sống bình thường là được. Thấy cần làm gì hay nói gì có ích cho mình và người khác thì nói, thì làm. Ngoài mục đích đó ra thì những động cơ khác không đáng. Chỉ cần ghi nhớ 3 điều: hơi thở, bước chân và nụ cười (nụ cười phải từ trong tâm mình nở ra như đoá hoa, chứ ko phải cứ nhăn nhở là cười) là được.”
Thực tế đi tập, mình nhận thấy khoảng 40% thời gian tập mình thực sự an trú trong từng giây phút, 60% còn lại thì thân ở đây, nhưng tâm cứ phóng ra ngoài và đuổi bắt theo cái gì đó.
Người tập luyện lâu năm, giỏi võ thế nào mình không biết và ko dám bàn, nhưng mình nhận ra ở họ là “cái thần thái”, sự ung dung tự tại trong cuộc sống đời thường.
Đó là cảm nhận của mình về vẻ đẹp thực sự của Ki-aikido. Nếu tìm kiếm ki-aikido như một môn võ thực chiến và quan tâm đến hình thái bên ngoài cũng được. Nhưng với mình, đó là ki-aikido “pha loãng” cho dễ uống lúc ban đầu. Uống được rồi thì nên thử uống đậm đặc và nguyên chất hơn. Nếu không sẽ bỏ phí cái phần ngon nhất, và nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của mình. Xét cho cùng, cuộc sống ngày nay đâu chỉ có ăn và đi tỷ thí võ thôi đâu.