Trong quá trình luyện tập bộ môn Hiệp Khí Đạo – Tinh thần và Thể xác hòa hợp (Ki – Aikido), chúng ta thường được tiếp cận đến khái niệm “ukemi” hay “kỹ thuật ngã/ hộ thân”.
Trong tiếng Nhật, thuật ngữ “ukemi” thường được diễn tả là một “trạng thái bị động”. Cụm từ “bị động” ở đây nhằm ám chỉ một vị trí phòng ngự để tiếp nhận tấn công từ đối thủ.
Tuy nhiên, trong thực tế, kỹ thuật ngã/ hộ thân (ukemi) lại hoàn toàn đối lập so với giải nghĩa của nó. Ukemi là trạng thái chủ động, tấn công trở lại hay phản ứng lại.
Ukemi có nghĩa là “tự phòng vệ”, chỉ khi ở trạng thái sẵn sàng, ngay tại thời điểm bị quăng ném, nhằm chuyển sang vận động tiếp theo ngay lập tức. Thời điểm mà người tập bị quăng đi không phải là kết thúc, thời điểm này chính là khởi đầu của động tác kế tiếp.
Chính vì vậy, trong thực hành Ki – Aikido, chúng ta quăng ném được người khác không đồng nghĩa với việc ta “chiến thắng”, và bạn cũng không phải là người “thua cuộc” vì mình bị ném đi trong đòn thế. Nếu như vì cú ném mà cơ thể của bạn gặp phải va chạm hay chấn thương, thì việc thực hành được động tác tiếp theo sẽ là bất khả thi, hoặc dịch chuyển của bạn sẽ bị lỡ nhịp. Ngay sau khi bị quăng ném sẽ là nguy cơ cao của chấn thương có thể xảy đến.
Nếu như người ném (nage) luôn giữ được “nhất điểm”, thì người bị quăng đi (uke) cũng chắc chắn phải duy trì “nhất điểm” của mình. Ngay cả khi người ném (nage) vô ý thực hiện một kỹ thuật ném, nếu như người bị quăng đi (uke) luôn duy trì trạng thái tinh thần và cơ thể hòa hợp, thì các kỹ thuật sử dụng bởi sức lực đều sẽ không còn tác dụng.
Đây chính là cách mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc tôn trọng đối phương và tương tác với nhau dựa trên Năm nguyên lý cơ bản của Hiệp Khí Đạo – Tinh thần và Thể xác hòa hợp.
Năm nguyên lý cơ bản của Hiệp Khí Đạo – Tinh thần và Thể xác hòa hợp:
1. Khí luôn được khuếch trương.
2. Nhận biết được tinh thần của đối thủ.
3. Tôn trọng Khí của đối thủ.
4. Đặt mình vào vị trí của đối thủ.
5. Tự tin dẫn dắt.
Vào khoảng 20 năm trước, tôi có được cơ hội huấn luyện cùng với một vận động viên boxing chuyên nghiệp. Anh ý tới tham gia các chương trình học của tôi để học cách “Giữ nhất điểm” và “Phương pháp hô hấp với Khí” nhằm phát triển kỹ năng duy trì sức mạnh của mình trong các cuộc đấu căng thẳng.
Vào một buổi tập nọ, khi tôi hướng dẫn về ý nghĩa của phương pháp ngã – ukemi và cách thức để thực hành, anh ý đã quan sát hướng dẫn một hồi lâu. Tôi đã hỏi anh tại sao hướng dẫn này lại thu hút sự chú ý của anh đến vậy, do theo suy nghĩ của mình thì trong các hiệp đấu boxing thì sẽ không có cơ hội để áp dụng phương pháp ngã – ukemi. Và anh ý đã cho tôi một câu trả lời mà mình không cả ngờ tới:
“Lý tưởng mà nói, trước đối thủ thì ta luôn phải tìm được cách thức để hạ gục họ trên võ đài, nhưng với các đối thủ thực sự to khỏe thì điều này không phải lúc nào cũng diễn ra được. Khi bị đấm hạ trên sàn thi đấu, thì sức ảnh hưởng của cú ngã là có đáng kể, đôi khi còn tổn hại hơn cả việc nhận các cú đấm trực diện của đối phương. Vậy nên, tôi mong muốn học được cách ngã mà không gây ra chấn thương cho mình.”
Trong các cuộc tranh đấu nơi mà mục tiêu chính là việc hạ gục đối thủ, việc mong muốn rèn luyện được cách thức ngã là rất ấn tượng. Sau cùng, người võ sĩ này thực sự đã rèn luyện kỹ thuật ngã – ukemi tới mức anh ý có thể thực hành mà không cảm thấy khiên cưỡng và dường như còn phát triển được cảm nhận chính xác khi áp dụng kỹ thuật này.
Cũng tương tự như trong cuộc sống hằng ngày.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng hiền hòa và đôi khi cũng có lúc chúng ta mắc phải sai lầm và vấp ngã. Ở những lúc này, điều quan trọng nhất là biết được “làm sao để ngã”.
Một cú Ukemi hiệu quả sẽ liên hệ trực tiếp tới sức mạnh của tâm trí.
Sức mạnh thực thụ không nằm ở việc không bao giờ ngã xuống, nhưng lại nằm ở việc đứng dậy nhanh chóng và sẵn sàng rồi thực hiện nước đi tiếp theo.
Ngã xuống không phải là kết thúc của cuộc đời.
Bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa thực thụ của phương pháp ngã – ukemi khi bạn đối diện với nghịch cảnh.
—
(Biên dịch sang Tiếng Anh bởi C. Curtis – Biên dịch sang Tiếng Việt bởi CLB Ki Aikido Hà Nội).
—
Để tìm hiểu thông tin lớp học vui lòng liên hệ inbox tại:
hoặc:
– Hotline: 093 789 2166
Website: https://kiaikido.vn
Vạn Phúc Dojo: Số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội.